Việt Nam – Thuỵ Điển: Đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững là trụ cột hợp tác
Việt Nam-Thụy Điển thúc đẩy thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ngành |
“Hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Thuỵ Điển tiếp tục có nhiều triển vọng phát triển, nhất là trong nỗ lực chung hướng tới chuyển đổi xanh, phát triển bền vững” - đây là chia sẻ của bà Ann Måwe - Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam - với phóng viên Báo Công Thương nhân dịp năm mới 2023.
Trong những năm gần đây, thương mại song phương Việt Nam - Thụy Điển luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, riêng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,5 tỷ USD. Năm 2022, hợp tác thương mại của hai nước có bước phát triển tích cực như thế nào, thưa đại sứ?
Việt Nam - Thuỵ Điển có mối quan hệ lâu dài, tốt đẹp. Kết quả đó thể hiện trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá và giáo dục. Trước đây, thương mại của Thụy Điển với Việt Nam chỉ gắn liền với các ngành cơ khí chế tạo, dược phẩm, đồ gia dụng, công nghệ môi trường nhưng hiện đã được mở rộng trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau dựa trên những tiềm năng và lợi ích chung.
Bà Ann Måwe - Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam |
Riêng về thương mại, đầu tư năm 2022 tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Hiện, đã có sự hiện diện mạnh mẽ của các công ty Thụy Điển tại Việt Nam. Một số công ty đa quốc gia của Thụy Điển đã tham gia thị trường ngay từ những ngày đầu đổi mới những năm 1990 của Việt Nam. Chúng tôi đang có hơn 70 công ty có văn phòng tại Việt Nam, hiện đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Một tín hiệu rất tích cực nữa đó là, ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp Thụy Điển đang phát triển nhanh, bao gồm cả các tập đoàn công nghệ kỳ lân đang tham gia vào thị trường.
Hiệp định EVFTA đang được thực thi, bà có đánh giá tác động của Hiệp định này tới quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Thuỵ Điển?
Hiệp định EVFTA mang lại lợi ích cho cả hai phía. Đầu tiên, hàng rào thuế quan giảm thiểu tối đa, các điều kiện quy định về kinh doanh cũng đang đơn giản hoá, giúp tăng thêm lòng tin cho các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Đối với một số doanh nghiệp Thuỵ Điển hoạt động tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA đã tạo ra những cơ hội cho họ mở rộng sản xuất và xuất khẩu sang EU một cách dễ dàng hơn với mức thuế thấp hơn hoặc về bằng 0.
Đại sứ quán Thụy Điện thăm nhà máy Hestra tại Hải Phòng |
Tuy nhiên, trên cơ sở các cam kết của EVFTA, cần thúc đẩy các kênh đối thoại để từng bước gỡ bỏ, qua đó tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiện, đại sứ quán Thuỵ Điện thường xuyên nhận được các câu hỏi từ nhà đâu tư Thuỵ Điển khi cần nắm bắt thêm điều kiện vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng các thủ tục này đang được Việt Nam thực hiện một cách đơn giản, minh bạch hơn… là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Thuỵ Điển có được lòng tin, sẵn sàng hơn khi thực hiện đầu tư và hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được của năm 2022, đại sứ có dự báo nào về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Thụy Điển trong năm 2023? Đồng thời đại sứ quán Thuỵ Điển sẽ có những hoạt động trọng tâm nào để thúc đẩy mối quan hệ này phát triển?
Mục tiêu của chính phủ Thụy Điển là tăng cường thương mại với Việt Nam. Vì thế, bước vào năm 2023, trên nền tảng đạt được trong năm 2022, tôi cho rằng, hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Thuỵ Điển có rất nhiều triển vọng phát triển. Từ triển vọng này, chúng tôi tiếp tục hướng tới mục tiêu đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đây sẽ là trụ cột trong hợp tác song phương giữa hai quốc gia.
Thụy Điển có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam bằng cách tăng cường quan hệ thương mại, trao đổi các giải pháp kinh doanh thực tiễn và chuyển giao công nghệ. Hai lĩnh vực chính mà Thụy Điển và các công ty Thụy Điển quan tâm hàng đầu là hàng không và giải pháp năng lượng xanh và thông minh.
Ngành hàng không Việt Nam đang bùng nổ với các sân bay mới và được nâng cấp như Long Thành và các sân bay khác trên cả nước. Trong khi đó, Thụy Điển có một hệ thống hàng không tiên tiến và cũng có các giải pháp bền vững tổng thể giúp giải các bài toán đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững. Hướng tới đến tương lai, chúng tôi sẽ liên tục trao đổi thông tin và đề xuất các giải pháp với Tổng công ty quản lý máy bay Việt Nam (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về lĩnh vực hàng không.
Chúng tôi rất ủng hộ và đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP 26 vừa qua và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai bên. Ngoài ra, việc Việt Nam đang hướng tới mục tiêu cắt giảm điện than, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo trong chiến lược tổng thể, nên chúng tôi và các quốc gia EU ủng hộ định hướng chiến lược này của Việt Nam.
Về năng lượng, chúng tôi có các công ty có thể cung cấp giải pháp cho lưới điện quốc gia phục vụ việc nâng cấp hay tự động hóa, phù hợp với sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng tôi cũng có các công ty tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo. Tới đây, chúng tối sẽ tích cực đối thoại, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN-NPT) để có thể góp phần vào sự phát triển chung của ngành năng lượng Việt Nam.
Ngoài ra, thời gian tới, cùng với các tập đoàn của Thuỵ Điển, chúng tôi tiếp tục triển khai các chương trình hướng tới các doanh nghiệp, Chính phủ cũng như khối các trường Đại học Việt Nam thông qua các chương trình Tiên phong đột phá (Pioneer the Possible). Đây là chương trình nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, điển hình của Thuỵ Điển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Thụy Điển còn có các ngành công nghiệp năng động và đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trong khi Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh và cần chuyển dịch từ nền tảng sản xuất, lắp ráp và cải thiện trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều tiềm năng để bổ sung cho sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nhau trong lĩnh vực này...
Xin cảm ơn bà!