Việt Nam nhận hai giải thưởng quốc tế danh giá về đảm bảo an toàn cho khu vực trường để bảo vệ hành trình đến trường của trẻ em
Hơn 6.000 người tham gia hướng dẫn áp dụng Tài liệu điện tử an toàn giao thông | |
Một chương trình địa phương với thông điệp toàn cầu: Đường phố an toàn cho cuộc sống tại TP. Pleiku |
Tác động từ địa phương đến cả nước
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh niên (trong độ tuổi từ 5-29 tuổi) trên toàn cầu. Tại nhiều nước trên thế giới, trẻ em được bảo vệ an toàn khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp hoặc đi bộ trên những con đường an toàn. Tuy nhiên, không phải học sinh nào ở Việt Nam cũng được hưởng sự an toàn như vậy trên đường đến trường.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát biểu tại lễ trao giải |
Thông qua việc kết hợp nhiều giải pháp khác nhau - bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực trường học, giáo dục, truyền thông và vận động chính sách - chương trình Giảm Tốc độ, Trường học An toàn đã đạt được những thành tựu mang tính bước ngoặt bằng cách giảm tốc độ trong các khu vực trường học, và cụ thể hiện nay, thành phố Pleiku đang trở thành hình mẫu cho khu trường học an toàn trên toàn quốc.
Chương trình Giảm Tốc độ, Trường học An toàn bắt đầu với hai trường học thí điểm ở Pleiku và dần mở rộng khắp thành phố. Hiện nay, chương trình đã được triển khai với tất cả 31 trường tiểu học ở TP. Pleiku, trong đó có 23 trường đạt xếp hạng 5 sao - mức an toàn tối đa theo Đánh giá hạng sao trường học của Chương trình Đánh giá đường bộ toàn cầu (iRAP). Thông qua quan hệ đối tác ở cấp địa phương và Trung ương, chương trình đang được mở rộng khắp toàn quốc.
Từ tác động mang tính quốc gia đến sự công nhận mang tầm quốc tế
Các cơ quan Trung ương và địa phương được trao giải thưởng để ghi nhận những sáng kiến trong vận động chính sách Giảm tốc độ, Trường học an toàn, thể hiện qua những kết quả tích cực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và giảm giới hạn tốc độ. Đây là sáng kiến trong khuôn khổ chương trình Thách thức An toàn đường bộ cho trẻ em được thực hiện với sự hợp tác với Quỹ AIP, được hỗ trợ bởi Quỹ Botnar, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP), iRAP, Liên đoàn FIA và Quỹ FIA.
Các giải pháp này đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và cứu sống nhiều sinh mạng thông qua việc giảm tốc độ trong các khu vực trường học, và hiện là mô hình cho các khu vực trường học an toàn trên khắp Việt Nam. Đối với những thành tích ấn tượng và những nỗ lực chung đã đạt được ở cấp quốc gia và địa phương, qua đó có hai giải thưởng quốc tế có uy tín sẽ được trao tặng:
Giải thưởng An toàn giao thông đường bộ quốc tế Prince Michael 2020 được trao tặng cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSC) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET). Giải thưởng An toàn Giao thông đường bộ quốc tế Prince Michael là giải thưởng uy tín và danh giá trong lĩnh vực phòng chống và giảm thiểu các thương tổn do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Đây là giải thưởng vinh danh những cá nhân, tổ chức đã có những hoạt động nhằm cải thiện môi trường giao thông đường bộ trên toàn thế giới.
Giải thưởng Quốc tế Tầm nhìn không thương vong cho thanh thiếu niên 2022 được trao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku. Giải thưởng này nhằm công nhận việc thực thi các giải pháp an toàn giao thông đường bộ tiêu biểu làm hình mẫu cho các thành phố khác thực hiện theo, đồng thời là bước đi táo bạo để giảm thiểu tử vong do giao thông ở trẻ em và thanh thiếu niên trong cộng đồng của họ.
Bà Nancy Pullen-Seufert, Giám đốc, Trung tâm Quốc gia về các Tuyến Đường An toàn tới Trường, Trung tâm Nghiên cứu An toàn Đường cao tốc Đại học Bắc Carolina Liên bang Hoa Kỳ chia sẻ: “Bằng việc ghi nhận những thành tựu nổi bật của tỉnh và thành phố này, chúng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những nơi khác thực hiện những bước đi quyết liệt nhằm hướng đến mục tiêu không có trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả lứa tuổi thanh thiếu niên trong cộng đồng của mình".
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ: “Để góp phần nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho các cháu học sinh, đặc biệt là để ngăn ngừa và kéo giảm thương vong do tai nạn giao thông gây ra đối với trẻ em, trong nhiều năm qua Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và cơ quan liên quan; các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước đã triển khai rất nhiều chương trình về an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường. Do đó giải thưởng này rất có ý nghĩa và chứng minh rằng sứ mệnh của chúng tôi không những tạo tiếng vang với cộng đồng quốc tế mà còn nhận được sự công nhận đặc biệt trong lĩnh vực an toàn đường bộ”.
Chương trình triển khai tại TP. Pleiku trở thành một mô hình có thể nhân rộng trên toàn quốc và xa hơn nữa. Các yếu tố chính bao gồm sử dụng các hệ thống dựa trên bằng chứng để thu thập dữ liệu, chẳng hạn như ứng dụng Xếp hạng sao Trường học iRAP, nâng cao năng lực địa phương trong việc áp dụng công nghệ, hình thành quan hệ đối tác công và tư nhân, phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và chứng minh giá trị của việc đầu tư vào an toàn đường bộ đối với các cơ quan chính phủ. Phương pháp tiếp cận toàn diện của chương trình Giảm Tốc độ, Trường học An toàn mang lại lợi ích thực tiễn nhất cho những trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.
Bà Mirjam Sidik, Giám đốc điều hành Quỹ AIP, chia sẻ "Quỹ AIP tự hào rằng chương trình Giảm Tốc độ, Trường học An toàn đã được công nhận với hai giải thưởng danh giá. Thanh thiếu niên là trọng tâm của các chương trình, dự án của chúng tôi nhằm hướng tới tầm nhìn không thương vong về an toàn đường bộ toàn cầu cùng với việc tiếp cận các phương tiện di chuyển một cách bình đẳng. Chúng ta cần phải bảo vệ và trao quyền cho thế hệ tiếp theo của mình để tạo ra một tương lai bình đẳng cho tất cả mọi người."
Chương trình gắn liền với Mục tiêu phát triển bền vững 3.6 và Kế hoạch toàn cầu của Thập kỷ hành động vì An toàn đường bộ 2021-2030 nhằm kêu gọi giảm một nửa số người tử vong và bị thương trên toàn cầu do tai nạn giao thông đường bộ. Tương tự, Chiến lược An toàn đường bộ quốc gia hiện tại của Việt Nam cũng đang góp phần hỗ trợ việc đáp ứng các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, đảm bảo an toàn giao thông tối đa cho các khu vực trường học trên cả nước.