Việt Nam - Malaysia: Cơ hội tăng trưởng thương mại bền vững
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động phát triển thương mại song phương của hai nước trong thời gian qua?
Malaysia là đối tác thương mại quan trọng, tiềm năng đối với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia được Malaysia đánh giá cao với vị thế là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong nội khối ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Malaysia năm 2018 đạt gần 11,5 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2019, con số này đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2018.
|
Theo đánh giá của chúng tôi, Malaysia là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại khu vực ASEAN, các sản phẩm nông sản, thực phẩm - đồ uống của Việt Nam rất được người dân Malaysia ưa chuộng.
Về đầu tư, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư Malaysia đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Đến cuối năm 2018, Malaysia có 586 dự án còn hiệu lực và là nhà đầu tư lớn thứ 8 trong tổng số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt gần 12,5 tỷ USD.
Hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020, khẳng định quyết tâm phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hai bên hợp tác đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng như: Phát triển đô thị, năng lượng tái tạo, sản xuất đồ điện tử, điện gia dụng, nông–lâm-thủy sản...
Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia có sự sụt giảm về kim ngạch ở một số mặt hàng có kim ngạch cao như hàng điện tử, máy móc, thiết bị phụ tùng… Nguyên nhân của sự sụt giảm này do đâu, thưa ông?
Đúng là các mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu qua Malaysia có xu hướng giảm mấy tháng đầu năm. Nguyên nhân là do Malaysia có chiến lược đa dạng hóa một số mặt hàng nhập khẩu, nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau cho nên có thể giảm nhập từ thị trường Việt Nam nhưng tăng hơn ở các quốc gia khác.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại chung của hai nước. Mục tiêu hai nước vẫn hướng tới tăng trưởng thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 hoặc cao hơn.
Người dân Malaysia ưa chuộng các sản phẩm nông sản từ Việt Nam |
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào Malaysia các DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Cơ hội cho DN xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Malaysia rất lớn, song các DN cũng cần nhìn vào thế mạnh xuất khẩu của mình, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản... vì thị trường Malaysia có nhu cầu rất lớn các mặt hàng này. Ngoài ra, để xuất khẩu vào Malaysia các DN Việt Nam phải hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Malaysia, về văn hóa bản địa, DN cần đầu tư cho các chương trình xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường Malaysia.
Đặc biệt, cơ hội phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam rất lớn vì các DNVVN của Malaysia muốn hợp tác với DN Việt Nam trong các lĩnh vực mà DN Việt Nam có thế mạnh, nhất là các DN sản xuất. Từ phía các DN Malaysia có nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ như nhập khẩu, marketing, logistics… hoàn toàn có thể kết hợp với thế mạnh sản xuất của các DN Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu tại Malaysia.
Xin cảm ơn ông!