Việt Nam - Hoa Kỳ đạt nhiều thành quả cải thiện môi trường thương mại
Việt Nam - Hoa Kỳ hướng tới một tương lai sôi động và thú vị Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực |
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan Việt Nam đánh giá cao những thành công chung trong việc tạo dựng một môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn tại Việt Nam tại hội nghị tổng kết dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ thực hiện từ năm 2018 ngày 12/4.
Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ thực hiện đã giúp Việt Nam giảm một nửa thời gian thông quan trung bình tại biên giới đối với hàng nhập khẩu từ 104 giờ xuống 55 giờ |
Giám đốc Quốc gia USAID tại Việt Nam - ông Aler Grubbs cho biết, những kết quả đầy ấn tượng mà dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ đã đạt được là một ví dụ điển hình về những thành quả mà quan hệ đối tác bền chặt giữa hai nước chúng ta có thể đạt được. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nỗ lực chung này để cải thiện môi trường thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.
Đánh giá của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan - Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh việc hỗ trợ của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ diễn ra vào thời điểm vô cùng phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO. Dự án đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và thể chế một cách hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, trong đó có hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong hải quan, nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công tư hiệu quả, nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường thương mại.
Thông qua dự án Tạo thuận lợi Thương mại với ngân sách 21,7 triệu USD, USAID đã hợp tác với Tổng cục Hải quan cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, giúp tăng cường tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, đơn giản hóa thủ tục hải quan và xây dựng các kế hoạch hành động nhằm giảm bớt ùn tắc tại cảng biển. Ví dụ như tại Cát Lái là cảng container lớn nhất của cả nước đã hoạt động hết công suất trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, thông qua dự án đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng 43 luật và văn bản quy định liên quan đến thương mại (37 trong số đó đã được ban hành); Đào tạo cho hơn 3.000 cán bộ nhà nước và đại diện khu vực tư nhân; Thu thập 9.000 câu trả lời khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trên toàn quốc để hỗ trợ đẩy mạnh cải cách; và giúp Việt Nam đi đúng hướng để hoàn thành trước thợi hạn các cam kết trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO - TFA) hỗ trợ thực hiện 20 trong số 24 điều khoản của Hiệp định. Việt Nam dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ Hiệp định WTO - TFA vào cuối năm 2024.
Đặc biệt, USAID và Tổng Cục Hải quan đã hợp tác để đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành - một thủ tục nhằm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc về chất lượng và an toàn. Trước đây, hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại Việt Nam có sự tham gia của nhiều bộ ngành, vì vậy thời gian thông quan hàng hóa tại biên giới bị kéo dài.
Theo đánh giá của Tổng Cục Hải quan từ năm 2019 đến năm 2020, hoạt động này đã góp phần giảm một nửa thời gian thông quan trung bình tại biên giới đối với hàng nhập khẩu (từ 104 giờ xuống 55 giờ); Giảm 2,5 lần thời gian thông quan trung bình đối với hàng xuất khẩu (từ 96 giờ xuống 38 giờ); và giảm 45% chi phí hoàn tất các thủ tục qua biên giới cho doanh nghiệp đối với hàng nhập khẩu (từ 569 USD xuống 313 USD) và 20% đối với hàng xuất khẩu (từ 420 USD xuống 338 USD).
Năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện. Sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện giữa hai nước trong những thập kỷ qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một minh chứng nữa về cách mà Hoa Kỳ và Việt Nam cùng hợp tác chiến lược để tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.