Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu
TOMECO với chiến lược tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu Xúc tiến thương mại với Panama để hàng hoá Việt Nam vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu |
Việt Nam, với vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, có vị trí thuận lợi cho sự phát triển này trong tương lai.
Chuyển đổi sang sản xuất công nghệ cao
Trong bài viết đăng trên trang Vietnam Briefing, Pritesh Samuel - Trưởng phòng Kinh doanh thông minh của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates - cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang thúc đẩy chuyển đổi từ một nhà sản xuất công nghệ thấp sang sản xuất công nghệ cao. Các khoản đầu tư gần đây từ Intel, Samsung và UAC cho thấy tiềm năng to lớn ở đất nước này. Việt Nam mặc dù không thể hấp thụ toàn bộ sản xuất từ các công ty rời khỏi Trung Quốc, nhưng có vị thế tốt để đảm nhận nhiều sản xuất hơn và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn |
Phản hồi một bài viết của Bloomberg nói rằng, ngành sản xuất của Việt Nam đã suy yếu và nhiều công ăn việc làm bị mất trong tháng Giêng, Pritesh Samuel lý giải, mặc dù điều này là đúng, nhưng sự sụt giảm trong sản xuất là do nhu cầu từ các thị trường phương Tây ở Bắc Mỹ và Châu Âu ít hơn.
Vì nền kinh tế của Việt Nam hướng vào xuất khẩu nên các ngành công nghiệp của Việt Nam rất nhạy cảm với bất kỳ động lực thay đổi nào trong thương mại toàn cầu; chẳng hạn tiêu thụ chậm lại ở các thị trường phương Tây gây ra những trở ngại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hầu hết các nền kinh tế đều không tránh khỏi những cú sốc bên ngoài như cuộc xung đột Nga - Ukraina.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát ở mức 4,5% cho năm 2023, cao hơn một chút so với mức tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 và bằng với tỉ lệ lạm phát tháng 12.2022. Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2023.
Theo tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank, mặc dù thị trường bất động sản đang chững lại, bao gồm cả cuộc khủng hoảng nợ gần đây, song lĩnh vực bất động sản của Việt Nam vẫn nằm trong số 5 điểm đến hàng đầu của những cá nhân có giá trị tài sản ròng siêu cao của Singapore.
Thách thức tạm thời
Việt Nam là một quốc gia tương đối ổn định, chính phủ đưa ra định hướng chiến lược và quyết định mọi vấn đề chính sách lớn. Chính phủ mạnh tay chống tham nhũng trong thời gian gần đây, song theo Bloomberg, các chính sách kinh tế của Việt Nam khó có thể bị ảnh hưởng trong dài hạn.
Viện Lowy - tổ chức tư vấn nổi tiếng của Australia - cũng tin rằng, những thay đổi nhân sự trong Chính phủ Việt Nam sẽ không phá vỡ sự ổn định chính trị hoặc ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Do đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa”. Tăng trưởng kinh tế vẫn là mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Mặc dù có thể có sự chậm trễ về đầu tư và phê duyệt trong ngắn hạn, nhưng tăng trưởng dài hạn sẽ vẫn tiếp tục.
Theo tác giả Pritesh Samuel, việc chuyển sang sản xuất cao cấp sẽ là một quá trình dần dần đối với Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã và đang ưu tiên FDI công nghệ cao. Chính phủ đang đưa ra các ưu đãi và lợi ích để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao.
Ví dụ, United Alloy Corporation (UAC) - công ty sản xuất linh kiện máy bay cho Boeing và Airbus - đã mở một nhà máy trị giá 170 triệu USD tại Đà Nẵng vào năm 2020. Tập đoàn sản xuất chip khổng lồ của Hà Lan ASML Holdings đang xem xét xây dựng các nhà máy ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong ba lựa chọn được xem xét.
Các nhà cung cấp của Apple đã chế tạo AirPods và MacBook, trong khi Google dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất dòng điện thoại thông minh Pixel vào khoảng năm 2023. Một nửa số điện thoại thông minh Samsung đã được sản xuất tại Việt Nam trong khi nhà sản xuất Nhật Bản Canon có hơn 100 nhà cung cấp địa phương.
Tương lai của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo tác giả Pritesh Samuel, các vấn đề toàn cầu sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ Mỹ vào tháng 8.2022 đã ban hành Đạo luật Khoa học và Chip, cung cấp khoản tài trợ khoảng 280 tỉ USD để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước ở Mỹ.
Tháng 2.2021, chính phủ Nhật Bản phân bổ 2,1 tỉ USD để giúp các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở Châu Á. Tháng 11.2022, Canada đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một phần của chính sách đối ngoại và an ninh. Trung Quốc cũng đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào những khu vực khác trong các vấn đề thương mại và an ninh.
Tất cả những yếu tố này hướng tới một mạng lưới chuỗi cung ứng đa dạng, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Việt Nam có thể sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ những thay đổi dần dần này.
Việt Nam là một thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh, nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh cũng mang lại những thách thức liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, đất đai và chính sách. Ngoài ra, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Mặc dù Việt Nam không thể là công xưởng của thế giới hay vị cứu tinh của toàn cầu hóa, nhưng có thể đóng vai trò là một địa điểm thay thế cho các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc - Nhận xét của ông Pritesh Samuel - Trưởng phòng Kinh doanh thông minh của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates. |