Việt Nam - Đan Mạch tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tư cách là một trung tâm sản xuất đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, Việt Nam đang nhanh chóng củng cố vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới. Trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực EU, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch vẫn ghi nhận những kết quả tích cực.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2023, Đan Mạch có thêm 12 dự án được cấp phép đầu tư tại Việt Nam với số vốn 166,177 triệu USD; 1 dự án tăng thêm vốn với 0,75 triệu USD; 8 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn 1,276 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư Đan Mạch trong 9 tháng năm 223 là 168,203 triệu USD. Lũy kế từ năm 1998 đến hết 9 tháng năm 2023, tổng số dự án cấp mới của nước này tại Việt Nam là 166 dự án với tổng vốn đăng ký 1,979 tỷ USD. Đan Mạch tiếp tục duy trì vị trí thứ 23/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam.
Đồng thời, các chuyên gia cũng nhận định, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và năng lượng mới là yếu tố then chốt trong việc thu hút các doanh nghiệp của Đan Mạch đến với Việt Nam.
Theo đó, Hiệp định EVFTA cắt giảm gần như toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào các thị trường châu Âu. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Latvia) thông tin, Đan Mạch không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là cửa ngõ quan trọng để các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam xâm nhập vào các nước Bắc Âu khác. Tuy nhiên, giá trị hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch hiện còn khá khiêm tốn. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng mạnh.
Hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch còn nhiều dư địa - Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, tiềm năng lớn và những yếu tố thuận lợi của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là một điểm hấp dẫn với các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đan Mạch. Đơn cử, Orsted là một tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch và thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Tập đoàn Orsted và Tập đoàn T&T đã ký Biên bản ghi nhớ để khởi động hợp tác chiến lược về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vào tháng 9/2021. Và đây là một chuỗi các dự án điện gió ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến đầu tư theo từng giai đoạn trong 20 năm).
Bên cạnh đó, Orsted đã làm việc với TP. Hải Phòng và các bên liên quan nhằm đề xuất xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ. Vào tháng 5/2023, Công ty Orsted Taiwan Ltd (thuộc Tập đoàn Orsted) đã ký thỏa thuận hợp tác mua sắm thiết bị do Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn PetroVietnam) chế tạo, sử dụng trong Dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 của Orsted.
Điều này cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có được Hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ngành dầu khí trong và ngoài nước, trong đó có doanh nghiệp Đan Mạch.
Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tới Việt Nam, ngày 1/11/2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mette Frederiksen đã kí kết, thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Xanh giữa hai nước. Văn kiện này được dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư và thúc đẩy thương mại song phương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch.
Theo Tuyên bố chung quan hệ Đối tác chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch, Hiệp định EVFTA đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Thành viên Liên minh châu Âu, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy quan hệ thương mại hàng hóa và dịch vụ trong các lĩnh vực xanh giữa hai bên.
Việc EVFTA dành riêng một chương quy định về thương mại và phát triển bền vững đã mở đường cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa, trong các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại và đầu tư.
Cụ thể, Tuyên bố chung khẳng định hai bên sẽ nỗ lực tăng cường năng lực và sự tham gia của các công ty Việt Nam trong việc đóng góp vào chuỗi giá trị bền vững. Chính phủ Đan Mạch sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Đan Mạch trong nỗ lực tìm nguồn cung và thúc đẩy sản xuất bền vững hơn tại Việt Nam, trong đó đặc biệt chú ý đến quyền và điều kiện lao động.
Đồng thời, hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với trọng tâm chính là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và tiết kiệm tài nguyên cũng như sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững, bao gồm các công nghệ và giải pháp cho sản xuất nuôi trồng thủy sản trên đất liền và trên biển. Phối hợp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và khử carbon trong các lĩnh vực và chuỗi cung ứng, bao gồm logistics và vận chuyển, các sáng kiến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, “chương mới” Tuyên bố Đối tác Chiến lược Xanh được kỳ vọng sẽ góp phần tạo xung lực mới đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch phát triển hiệu quả, thực chất hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác chiến lược về biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh. Đồng thời, đây cũng chính là cơ sở, tiền đề tạo thêm cơ hội cho các lĩnh vực, địa phương Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư xanh và các hỗ trợ, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Đan Mạch trong tương lai.