Vì sao hai "ông lớn" ngành than bị hủy niêm yết cổ phiếu?
Theo ông Đỗ Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hai cổ phiếu TC6 (Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu) và cổ phiếu TDN (Công ty Cổ phần Than Đèo Nai) sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 25/6. Lý do hủy niêm yết cổ phiếu là do hai công ty này sẽ chấm dứt sự tồn tại và hợp nhất với nhau từ ngày 1/7/2024 nên thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Vẫn theo thông báo từ HNX, hai cổ phiếu TDN và TC6 sẽ được giao dịch phiên cuối cùng trên HNX vào 24/6. Hiện, giá trị cổ phiếu TDN và TC6 được niêm yết trên sàn HNX lần lượt hơn 294 tỷ đồng và gần 325 tỷ đồng.
Cổ phiếu Than Đèo Nai sẽ bị huỷ niêm yết do hợp nhất với Than Cọc Sáu. Ảnh: TL |
Vào ngày 13/5 vừa qua, Than Đèo Nai và Than Cọc Sáu đã thông báo phát hành cổ phiếu để hoán đổi theo hợp đồng hợp nhất. Theo phương án phát hành, doanh nghiệp mới sau khi Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai hợp nhất có tên là Công ty Cổ phần Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV.
Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV dự kiến sẽ phát hành gần 62 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai để đổi lấy toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông trong 2 doanh nghiệp này theo tỷ lệ hoán đổi 1:1. Tương ứng, 1 cổ phiếu của Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV sẽ được hoán đổi lấy 1 cổ phiếu TC6 hoặc 1 cổ phiếu TDN. Ngày chốt danh sách để hoán đổi là 26/6/2024.
Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai là hai mỏ than lộ thiên lớn tại tỉnh Quảng Ninh. Hiện hai đơn vị đều là công ty con, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm 65% vốn điều lệ. Những năm gần đây, TC6 có doanh thu khoảng 2.000 - 3.000 tỷ mỗi năm còn TDN có doanh thu khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
Theo thông cáo, việc hợp nhất 2 công ty nhằm mục đích nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giải quyết những khó khăn về ranh giới khai thác, bãi thải cũng như sắp xếp mô hình tổ chức tinh gọn, bố trí lao động hợp lý.
Việc hủy niêm yết cổ phiếu TDN và TC6 khiến nhiều cổ đông bất ngờ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, việc hủy niêm yết cổ phiếu trước thời điểm sáp nhập là một bước chuẩn bị quan trọng nhằm đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ và tuân thủ các quy định pháp lý.
Khi hai công ty quyết định sáp nhập, họ sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết, bao gồm xin phép các cơ quan quản lý, thông báo cho cổ đông và thực hiện các bước chuẩn bị về tài chính, quản trị điều hành...
Cổ đông của TDN và TC6 cần lưu ý các thông báo chính thức từ công ty về việc hoán đổi cổ phiếu, tỷ lệ hoán đổi và các quyền lợi liên quan sau khi sáp nhập. Thông thường, cổ đông sẽ nhận cổ phiếu của công ty mới sau khi sáp nhập theo một tỷ lệ xác định.
"Nhà đầu tư cần chú ý theo dõi và cập nhật thông tin để có kế hoạch đầu tư phù hợp", một chuyên gia chứng khoán khuyến nghị.