Thanh Trì, Hà Nội:
Về làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ngày giáp Tết
Khẳng định vị thế hàng Việt Nam qua các sản phẩm làng nghề Phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm làng nghề Bánh đa nem làng Chều - sản phẩm làng nghề mang lại doanh thu trăm tỷ |
Theo người dân Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) kể lại, nghề gói bánh chưng của làng đã có từ lâu đời, nhưng phải đến năm 1975, khi đất nước giải phóng, người dân nơi đây mới tập trung xây dựng và phát triển thành làng nghề.
Thấy bánh chưng Tranh Khúc là thấy Tết. |
Bà Nguyễn Thị Dạp (63 tuổi) ở Tranh Khúc, xã Duyên Thái cho biết: “Nghề làm bánh chưng ở làng tôi đã xuất hiện cả trăm năm qua, cha truyền con nối. Đến nay, nghề làm bánh chưng đã mang lại nguồn thu nhập chính cho mỗi gia đình, số tiền kiếm được từ nghề làm bánh chưng không chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt gia đình hằng ngày mà còn đủ để cho chúng tôi nuôi dạy con cái, dựng vợ gả chồng, xây nhà cửa,... ổn định cuộc sống”.
Những ngày bình thường nhà bà Dạp làm khoảng 200 bánh to và 100 bánh nhỏ, thế nhưng Tết đến số lượng bánh làm được phải tăng gấp 10 lần, mỗi ngày khoảng 2000 - 3000 cái. Theo bà Dạp, bánh ngày tết thường sẽ to hơn nên thời gian luộc cũng chênh lệch so với ngày thường khoảng 1-2 tiếng. Nếu ngày thường một mẻ luộc chỉ mất có 8 tiếng thì khi luộc bánh tết phải luộc lên đến 9-10 tiếng một lượt. Luộc lâu thì người dân để lâu bánh mới không bị chua, bị hỏng.
Tiếp nối nghề cha ông để lại, anh Nguyễn Văn Sơn (Chủ xưởng bánh chưng Phong Sơn - Đội 1, Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì) cũng đã lớn lên cùng với nghề làng. “Từ bé tôi đã được ông bà, cha mẹ chỉ cách làm và có thể tự gói được bánh chưng từ hồi còn học tiểu học. Nếu tính tuổi nghề chắc cũng phải hơn 30 năm rồi”, anh Sơn chia sẻ.
Ngày thường tại nhà anh Sơn có khoảng 3 - 4 người làm, hầu hết đều là người trong nhà. Bắt đầu qua rằm, khi đơn đặt hàng nhiều hơn gia đình anh mới thuê thêm nhân công. Trung bình mỗi ngày phải khoảng 10 người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm mới kịp giao cho khách đặt. Mỗi một công đoạn chia ra khoảng 2-3 người làm và phải làm không ngơi tay thì mới kịp cho người ở công đoạn sau làm tiếp.
“Làm nghề này không vất vả nhưng mấy ngày tết ngồi suốt nên cứ xong hết đơn là đau lưng, đau vai. Tết mà làm bánh chưng thì chỉ có ăn bánh chưng thôi, cứ mỗi người một cái, ăn lúc nào thì ăn”, anh Sơn bông đùa.
Bánh chưng sau khi được gói chờ mang đi đun khoảng 8-9 tiếng. |
Dịp tết đến mỗi ngày nhà anh Sơn sản xuất được khoảng 3.000 bánh. Tính riêng gạo mỗi ngày làm hết khoảng 9 tạ gạo (3 tạ làm được 1.000 bánh), một cái bánh tết có thể dùng hết nửa cân gạo. Với những người gói bánh “chuyên nghiệp” như mẹ con nhà anh Sơn, một người có thể gói được hơn 1.000 bánh mỗi ngày. “Chúng tôi gói quen chắc chỉ cần 20 - 30 giây là xong một cái”, anh Sơn cho biết thêm.
Với khoảng sân rộng gần 100 m2 nhưng theo lời kể của anh, những ngày cận tết, sân bày đồ chật kín từ đầu cổng vào đến cuối sân, nơi để lá, chỗ để gạo, xếp bánh,... tấp nập người tước lá, người gói bánh.
Theo người dân ở đây, hiện việc nấu bánh chưng không còn vất vả như ngày xưa nên năng suất, sản lượng bánh làm ra cũng được cải thiện hơn nhiều. Thay vì dùng những nồi tròn nấu bằng củi như cách đây 10 năm, giờ người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã đầu tư nồi inox cỡ lớn nấu bằng điện.
Vào dịp sát Tết, số lượng bánh chưng tại các cơ sở tăng lên từ 1000- 3000 cái/ngày. |
“Ngày xưa nấu nồi củi thì phải có người ngồi trông suốt từ khi bắt đầu nấu đến khi xong để canh lúc nào hết nước, hết củi thì thêm vào nếu không bánh sẽ không chín, còn bây giờ có nồi kiểu mới này chẳng bao giờ lo bánh bị sống. Có một cái hay ở loại nồi này là được thiết kế vòi xả nước, khi nấu xong chỉ việc mở vòi cho nước chảy hết ra, bánh ráo nước, mình lại xếp ra ngoài. Từ khi chuyển qua nấu bằng nồi điện chúng tôi nhàn hơn nhiều”, anh Sơn chia sẻ.
Cũng giống như bao hộ dân khác của làng nghề, nhà anh Sơn cũng chỉ bỏ sỉ cho các nhà hàng, không bán lẻ. Những mối làm ăn cũ cứ đều đặn lấy hàng từ nhà anh nên công việc sản xuất được duy trì đều đặn, thỉnh thoảng lại được khách giới thiệu cho một vài mối làm ăn mới nên nhà anh Sơn không đầu tư quá nhiều vào việc quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Dẫn chúng tôi đi một vòng làng nghề, anh Đặng Duy Thanh, cho biết: “Hiện tại, làng Tranh Khúc có khoảng 300 nóc nhà bao gồm cả người nơi khác đến định cư tại đây. Nếu tính theo số lượng hộ gia đình “gốc” ở đây thì số hộ duy trì nghề làm bánh chưng chiếm đến khoảng 70-80%. Trong đó có những hộ ngày thường không làm mà chỉ làm ngày lễ, ngày tết, hoặc có những hộ gia đình có họ hàng thân quen vào ngày thường sẽ “gộp vào làm một” để sản xuất, mục đích giảm bớt được chi phí vận hành, sản xuất bánh nhưng vẫn đảm bảo được hàng hóa đưa ra thị trường đều đặn….”.
Người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đến nay vẫn duy trì công việc một cách ổn định mặc dù có lúc số lượng người sản xuất nhiều lên, có thời gian sẽ ít đi nhưng chất lượng, hương vị bánh vẫn được nguyên vẹn và có phần ngon hơn theo năm tháng.
Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Duyên Hà, cho biết: Làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc là nghề truyền thống, đến năm 2011 được UBND thành phố Hà Nội trao tặng bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Cho đến bây giờ, bánh chưng của làng nghề vẫn được bán cho cả thị trường trong và ngoài nước. Hoạt động sản xuất trong nhân dân diễn ra hằng ngày, nhưng để bán được nhiều thì thường có ngày rằm, mùng 1 và nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Ông Mão cho biết thêm, hiện nay xã Duyên Hà đã được công nhận là xã du lịch và sắp tới địa phương mong muốn đẩy mạnh du lịch trên địa bàn xã theo hướng du lịch trải nghiệm, hướng tới giới thiệu mô hình sản xuất bánh chưng, bánh dày truyền thống của làng nghề.
|