Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nói gì về hoạt động của Kangen Hoàn Nguyên?
Làm rõ mô hình của Kangen Hoàn Nguyên
Liên quan đến thông tin phản ánh, Công ty TNHH Kangen Hoàn Nguyên (gọi tắt Công ty Kangen Hoàn Nguyên) có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, có dấu hiệu lừa dối khách hàng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) đã có thông tin chính thức về việc này.
Đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (UBCTQG) cho biết, hiện cả nước có 20 doanh nghiệp được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Trong số các đơn vị này, không có doanh nghiệp nào tên “Công ty TNHH Kangen Hoàn Nguyên” được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Các “Thủ lĩnh” của Công ty Kangen Hoàn Nguyên khoe tiền đô trên mạng xã hội nhằm lôi kéo, dụ dỗ nhiều người tham gia. |
“Các biểu hiện của kinh doanh đa cấp biến tướng là các hành vi vi phạm quy định cấm tại khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực từ 01/7/2024), Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Một số dạng hành vi điển hình có thể kể đến như: Yêu cầu nộp tiền, đặt cọc hay mua hàng để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Chi trả hoa hồng cho việc tuyển dụng mà không dựa trên mua bán hàng hóa; Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về sản phẩm, về cơ hội kinh doanh… Đầu tư nhiều mã số đối với một người tham gia”, đại diện UBCTQG viện dẫn.
Dẫn chứng quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong sự việc này, đại diện UBCTQG cho biết, cần phải làm rõ mô hình kinh doanh của Công ty Kangen Hoàn Nguyên có nhiều cấp hay không? Người tham gia có được hưởng hoa hồng từ kết quả kinh doanh của chính họ hay không?... Qua đó, UBCTQG sẽ đánh giá cụ thể và có biện pháp xử lý phù hợp theo đúng quy định pháp luật.
Đại diện UBCTQG cho biết thêm, hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Điều 73 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định về Tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Điều 217a.
Trên Facebook, bà T.T.L được cho là một trong những “Thủ lĩnh” của Kangen Hoàn Nguyên thường xuyên “khoe chiến tích”. |
Theo vị đại diện, thời gian vừa qua, UBCTQG đã phát hiện, tiếp nhận và chuyển thông tin về nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm Điều 217a Bộ luật Hình sự đến các cơ quan công an để theo dõi, xử lý theo thẩm quyền.
Để ngăn chặn hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, UBCTQG cho rằng cần có sự vào cuộc của toàn thể các cơ quan ban ngành liên quan như: Công an, Y tế, Quản lý thị trường, chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự trước các hoạt động hội nghị, hội thảo, sự kiện liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp… Cùng với đó, hoạt động truyền thông, cảnh báo của các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân để có thể phòng tránh các biểu hiện của đa cấp biến tướng.
Đưa tiền để chụp ảnh khoe lên mạng, chụp xong bị thu lại
Trao đổi với phóng viên, bà N.T.C. - là người từng tham gia hoạt động tại Công ty Kangen Hoàn Nguyên, cho biết: “Mỗi đồng tiền mà tôi kiếm được lúc đầu đều qua những người thân. Tôi nghe công ty, giới thiệu họ đến mua sản phẩm, hoặc dẫn người thân gia nhập Kangen Hoàn Nguyên. Sau khi người thân tôi xuống tiền ra nhập, mua sản phẩm, công ty hoàn lại khoảng 7.000.000 đồng và hướng dẫn tôi chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Chụp ảnh xong, họ thu lại số tiền này”.
Theo bà C., hiện Công ty Kangen Hoàn Nguyên hoạt động rất mạnh, phủ sóng khắp nhiều tỉnh thành trong nước. Thông qua các cuộc hội thảo tổ chức trái phép và nhiều văn phòng lập ra, các “Thủ lĩnh” của Kangen Hoàn Nguyên dẫn dắt nhiều người dân tham gia hệ thống kinh doanh có dấu hiệu đa cấp biến tướng của công ty này. Một trong những “Thủ lĩnh” được cho là bà T.T.L.
Phản ánh cho biết, bà L. hiện mở một địa điểm văn phòng Kangen Hoàn Nguyên ở Hà Nội - Văn phòng Bắc Hà Tố Hữu. Sau đó, đăng tải lên Facebook cá nhân, những “chiến tích” giao dịch chuyển tiền, cùng hình ảnh có nhiều người tìm đến văn phòng thăm, mua sản phẩm máy lọc nước và tham gia hệ thống kinh doanh Kangen Hoàn Nguyên giống như để “lùa gà”.
Để làm rõ thực hư sự việc, PV đã liên hệ qua số điện thoại của bà T.T.L., nhưng bà này lại khẳng định rằng, bản thân: "Không quản lý, không có cổ phẩn, không có một chức danh, không liên quan gì ở đấy (tức Công ty Kangen Hoàn Nguyên - PV). Tôi chỉ là khách hàng mua 1 sản phẩm bên Công ty Kangen Hoàn Nguyên về dùng. Sau khi dùng máy, thấy tôi đẹp, khỏe nên bị chọc ngoáy..!?.”.
Kinh doanh đa cấp trái phép bị xử lý thế nào?
Bàn về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho biết kinh doanh đa cấp hiện nay đã được pháp luật thừa nhận là một loại hình kinh doanh, nhưng pháp luật đã quy định các hành vi bị cấm trong khi thực hiện hoạt động kinh doanh này.
Cụ thể, theo Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã định nghĩa: “Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó thu nhập của người tham gia xuất phát chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia mới; việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới”. Kinh doanh theo “mô hình kim tự tháp” là hành vi bị cấm theo quy định tại điểm q, Điều 5.1 Nghị định này.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, để có thể xác định Công ty Kangen Hoàn Nguyên kinh doanh đa cấp trái phép, lừa dối, lừa đảo khách hàng như các thông tin phản ánh hay không, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc. Từ đó, căn cứ vào kết luận xác minh, điều tra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật nếu có vi phạm.
Dù vậy, tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đã quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, với các hình phạt cụ thể và hình phạt này áp dụng cho người tổ chức hoạt động kinh doanh này (áp dụng cho cá nhân không áp dụng cho tổ chức).
Theo đó, hình phạt cao nhất có thể áp dụng là bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.