Bộ Công Thương “mạnh tay” chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp
Xử phạt nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm
Trong những năm vừa qua, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt nghiêm minh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Cụ thể, năm 2022, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 19 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 27 hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 70 hồ sơ thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; 1 hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, 4 hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ.
Đáng chú ý, năm 2022, Bộ Công Thương đã thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 7 doanh nghiệp, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 doanh nghiệp với số tiền phạt 1,87 tỷ đồng, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 doanh nghiệp.
Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế là một trong hai doanh nghiệp bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong năm 2022 |
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có phép về cơ bản đã được kiểm soát tốt, không còn các vi phạm nghiêm trọng.
“Hiện chỉ còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp so với con số 67 doanh nghiệp vào đầu năm 2016” - ông Trịnh Anh Tuấn chia sẻ.
Theo Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, với việc các đối tượng hoạt động bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận bị kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử… lại có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Do các hoạt động này thuộc diện bị cấm và không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, để có cơ sở ngăn chặn từ sớm, xử lý nghiêm các hoạt động này, năm 2017, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng hoặc quy mô mạng lưới tham gia từ 100 người trở lên đã có thể bị xử lý hình sự.
Trên cơ sở đó, năm qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, đã chuyển thông tin 18 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời đối với các đối tượng có hiện diện trong nước, hoặc chặn truy cập đối với các website quốc tế liên quan đến các hoạt động huy động tài chính trái phép không có hiện diện tại Việt Nam
“Một số doanh nghiệp sau khi bị Bộ Công Thương xử lý hành chính đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xem xét xử lý hình sự theo quy định (Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng)” - ông Trịnh Anh Tuấn thông tin.
Tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính
Trong thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, trong đó tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính:
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục “mạnh tay” chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp |
Một là, đối với các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: Bộ Công Thương tiếp tục phát huy các giải pháp quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp hoạt động biến tướng.
“Dự kiến năm 2023, Cục Cạnh tranh vầ Bảo vệ người tiêu dùng sẽ thanh tra 4 doanh nghiệp về việc chấp hành phát luật về bán hàng đa cấp” - ông Trịnh Anh Tuấn cho hay.
Hai là, đối với các hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương: Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng; đồng thời, phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong thời gian tới.