Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: "Bông hồng gai" tỏa sáng trong lĩnh vực hàng không
Triệu phú USD tuổi 21
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội, năm 17 tuổi bà may mắn có cơ hội được du học tại Liên Xô chuyên ngành Kinh tế tài chính. Bằng sự thông minh, hiếu học, bà nhanh chóng đạt nhiều thành tích xuất sắc.
Ra nước ngoài du học cũng là một bước đệm để bà Phương Thảo bắt đầu những bước đi đầu tiên trong hành trình tạo dựng sự nghiệp. Bà chính thức bước chân vào thương trường kể từ khi mới là sinh viên năm thứ hai.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo |
Nhân cơ hội thời điểm thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi vật chất đều khan hiếm, bà bắt đầu kinh doanh đủ mọi mặt hàng từ hàng điện tử, máy tính, máy fax rồi đến băng đĩa đồng hồ, thậm chí cả những mặt hàng nông sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) sang Đông Âu…
Chẳng những vậy, trong quá trình kinh doanh buôn bán, bà còn mang về Việt Nam những mặt hàng mà thị trường luôn khan hiếm và cần thiết như thiết bị, sắt thép, phân bón…
Khởi nghiệp từ khi còn là cô nữ sinh năm thứ 2 đại học song tuổi tác nhỏ không bao giờ là lý do khiến bà mất đi thị phần kinh doanh, không giành được uy tín với đối tác. Bởi bà luôn duy trì tinh thần làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu, nghiêm túc và đặc biệt luôn tâm niệm cốt lõi để đi đến thành công cần nhất có chữ tín, trung thực và miệt mài lao động.
“Khi thấy mình chăm chỉ và có trách nhiệm, các đối tác phân phối lớn sẽ chọn là đại lý để phân phối hàng cho họ nên mình không cần nhiều vốn. Do mình làm việc hiệu quả và trung thực. Ví dụ, thị trường giá cả hay biến động thì mình làm việc theo cách ngày nào giá bao nhiêu và doanh thu ngày đó tương ứng với giá hôm ấy và đều thông báo cho họ rất cẩn thận. Bởi vậy, người ta có niềm tin và thấy rằng làm việc với mình hiệu quả, doanh thu lợi nhuận đảm bảo tốt”, nữ doanh nhân từng chia sẻ.
Với tinh thần cầu thị, thái độ làm việc chuyên nghiệp nghiêm túc và đặt hết tâm huyết, niềm tin vào việc mình theo đuổi, bà đã có được 1 triệu USD đầu tiên nhờ vào việc kinh doanh các loại hàng điện tử, máy móc văn phòng máy fax và cao su tự nhiên.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã thực hiện được một điều phi thường, một ước mơ lớn mà nhiều người khát khao có được khi chính thức trở thành triệu phú đô la đầu tiên ở độ tuổi 21, sau 3 năm cần cù, lao động hăng say.
Hiện thực hóa "giấc mơ bay" cho người Việt
Sau khi hoàn thành việc học của mình cũng như đã có được một số vốn nhất định, nữ doanh nhân đã quay trở về quê nhà, góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank, sau đó là VIB – hai ngân hàng thuộc top những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nhận Huân Chương Bắc đẩu Bội tinh do Chính phủ Pháp trao tặng. |
Mặc dù đạt được nhiều thành tích lớn và đảm đương những chức vụ cao trong ngành ngân hàng từ khi còn rất trẻ nhưng tên tuổi của bà Thảo chỉ thực sự được công chúng biết đến rộng rãi hơn kể từ khi gắn liền với Vietjet Air.
Nung nấu ý định đầu tư vào lĩnh vực hàng không cũng chỉ bởi khát vọng của nữ doanh nhân ngày ấy muốn đưa “giấc mơ bay” tiến gần hơn đến tất cả mọi người kể cả là những người điều kiện kinh tế khó khăn.
“Trước khi Vietjet tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình”, cựu CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo tâm sự.
Dẫu vậy, quá trình thực hiện hóa giấc mơ ấy cũng chẳng hề dễ dàng, ngay từ khi mới bắt đầu bà Thảo đã gặp vô vàn khó khăn, lớn hơn cả là áp lực cạnh tranh của các ông lớn đi trước đã có bề dày kinh nghiệm, tệp khách hàng ổn định và sự hoài nghi của thị trường với hãng máy bay mới nhưng… “giá rẻ”.
Năm 2007 bà nhận được giấy cấp phép thành lập Vietjet nhưng thời điểm đó khi bắt tay vào hoạt động lại chẳng hề thuận lợi do giá dầu tăng quá cao buộc kế hoạch của bà phải hoãn lại. Tới năm 2010, Viejet Air và hãng hàng không AirAsia kí kết hợp tác liên doanh nhưng quá trình thực hiện lại gặp vướng mắc khiến việc liên doanh đổ bể.
Tuy nhiên, với ý chí kiên cường và sức chiến đấu dẻo dai, bền bỉ và luôn khảm sâu tâm niệm “thành công chỉ đến khi đặt hết niềm tin và đam mê theo đuổi đến cùng”, bà Thảo không hề để giấc mơ dang dở trước những khó khăn, thách thức.
Quyết tâm định hướng phát triển mô hình bay thế hệ mới với chi phí thấp, thân thiện với khách hàng, bà đã mở hãng hàng không tư nhân lấy tên Vietjet Air và chính thức đi vào hoạt động năm 2011.
Thời điểm này, tân binh mới Vietjet không chỉ bùng nổ dư luận bởi những hình thức quảng cáo hiệu quả thu hút công chúng đón nhận mà còn bởi giá thành cho mỗi chuyến bay có thể đáp ứng được nhiều đối tượng, tầng lớp khách hàng. Màn chào sân thuận lợi như một dự báo cho tương lai rực sáng của bà Phương Thảo và “đứa con” Viejet Air.
Vietjet nhận liên tiếp 2 giải thưởng, ‘Hãng hàng không mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng toàn cầu - Value Airline of the Year’ và “Top 10 hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất thế giới - Top 10 Best Low-cost Airlines” năm 2022. |
Thành công tiếp nối thành công, chỉ trong giai đoạn 2014-2016 Vietjet Air đã chiếm 29% thị phần hàng không tại Việt Nam. Tính đến năm 2019, hãng hàng không này đã chiếm hơn 40% thị phần nội địa, ghi nhận lãi kinh doanh ngay trong năm thứ 2 cất cánh. “Giấc mơ bay” thực sự đã được hiện thực hóa tới hàng triệu người dân Việt Nam.
Dưới bàn tay nuôi dưỡng của nữ doanh nhân, Vietjet Air tăng trưởng thần tốc và tiếp tục hướng đến mục tiêu xa hơn trở thành hãng hàng không đa quốc gia, có mạng lưới rộng khắp.
Đến nay, Vietjet Air đã trở thành một thương hiệu quen thuộc với hàng triệu người Việt và không ngừng khai mở đường bay đến những vùng đất mới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Vietjet đã khai thác an toàn 65,9 ngàn chuyến bay, vận chuyển trên 12,1 triệu lượt hành khách, trong đó, 3,5 triệu khách quốc tế, tăng 26% và 30% so với cùng kỳ.
Vietjet đã tiên phong khai thác thị trường Ấn Độ với 7 đường bay nối Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với Mumbai, Delhi, Ahmedabad và Kochi, mang khách tới các thành phố của Việt Nam.
Mở mới 11 đường bay quốc tế trong quý 2/2023 đến Australia, Indonesia, Ấn Độ, nâng tổng số đường bay lên 120 đường bay (45 đường bay quốc nội, 75 đường bay quốc tế).
Có thể khẳng định, những trái ngọt mà Vietjet hiện đang có đều nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, quyết đoán cùng tầm nhìn xa trông rộng của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo. Hành trình từ một du học sinh ngành kinh tế đến nữ tỷ phú và trở thành người thổi một làn gió mới cho ngành hàng không Việt Nam của bà Phương Thảo khiến bất cứ ai cũng phải nể phục.
Từ ngày 6/4/2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng không Vietjet. Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietjet. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet. Bà Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matxcova, cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế Quốc dân Matxcova, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên Bang Nga. |