Hợp tác Vinacomin - Việt Thuận và bí quyết vượt khó ít người làm được
Đối tác thân thiết của Vinacomin
Là một trong những doanh nghiệp vận tải đường thủy lừng danh tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận (viết tắt là Công ty Việt Thuận) từ lâu đã không còn xa lạ với giới làm ăn đất mỏ.
Tổng giá trị trúng thầu từ năm 2015 tới nay của Công ty Việt Thuận lên đến 1.800 tỷ đồng, là con số khiến các doanh nghiệp cùng ngành phải thán phục |
Thành lập từ cuối tháng 8/2005 tại thành phố Uông Bí, Công ty Việt Thuận tới nay đã xây dựng mạng lưới kinh doanh chặt chẽ với các tập đoàn than đá, khoáng sản ở địa phương, trong đó tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các đơn vị thành viên trực thuộc.
Vinacomin, "anh cả" quốc doanh trong lĩnh vực than, khoáng sản đóng vai trò đầu tàu trong nhiệm vụ cung ứng đủ lượng than cần thiết cho nền kinh tế, đặc biệt là cho hoạt động sản xuất điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, khối lượng giao dịch, vận chuyển thường xuyên rất lớn, ước tính lên tới hàng trăm triệu tấn mỗi năm, tương ứng số tiền dự chi cho riêng việc vận tải cả nghìn tỷ đồng.
Công ty Việt Thuận là một trong số đối tác vận tải thân thiết của Vinacomin từ nhiều năm qua. Thống kê trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ năm 2015 cho thấy, công ty Việt Thuận đã tham dự 20 cuộc tổ chức đấu thầu, trong đó 19 gói thầu được mời bởi Vinacomin hoặc đơn vị thành viên.
Đặc biệt, công ty Việt Thuận chỉ thua thầu 2 lần vào hồi cuối năm 2022, tính ra tỷ lệ chiến thắng của doanh nghiệp rất lớn, liên tục trúng thầu cả đấu thầu trực tiếp hay rộng rãi qua mạng, trong vai trò liên doanh hay độc lập.
Tổng giá trị trúng thầu từ năm 2015 tới nay của công ty Việt Thuận lên đến 1.800 tỷ đồng, là con số khiến các doanh nghiệp cùng ngành phải thán phục. Tuy nhiên, theo phản ánh của dư luận, các gói thầu công ty Việt Thuận tham gia đều ghi nhận tình trạng có dấu hiệu chưa đảm bảo tính cạnh tranh cần thiết, vốn là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tổ chức đấu thầu.
Liên tiếp trúng các gói thầu lớn
Trong năm 2023, công ty Việt Thuận đã và đang chứng kiến những kết quả bùng nổ, sau khi nhanh chóng xác lập chuỗi 6 đợt thắng thầu liên tiếp, nổi bật nhất là gói thầu 10/2023/DVVT: Cung cấp dịch vụ vận chuyển than bằng đường biển đi Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo Quyết định số 268 ngày 14/2 với giá trúng thầu 192,4 tỷ đồng, thấp hơn 4% so với giá gói thầu.
Gói thầu được tổ chức theo hình thức đấu thầu trực tiếp và công ty Việt Thuận đã may mắn không vướng phải bất cứ áp lực cạnh tranh nào từ nhà thầu khác.
Tương tự, cũng trong ngày 14/2, Vinacomin ký ban hành tiếp Quyết định số 266 qua đó công bố công ty Việt Thuận là nhà thầu thực hiện Gói thầu 08/2023/DVVT: Cung cấp dịch vụ vận chuyển than bằng đường biển đi Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, sau khi bỏ giá 176,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 5,7% cho nguồn vốn của Vinacomin (hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2023).
Chưa đầy 2 tuần sau ngày 14/2 đại thắng, ngày 25/2, cái tên Việt Thuận một lần nữa được nhắc đến trong liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu VTT 2023: Vận chuyển than bằng đường thủy năm 2023 của Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin. Giá trị của gói thầu không nhỏ, đến 262,6 tỷ đồng và số tiền giảm giá chỉ khoảng vài trăm triệu đồng.
Nhìn chung, công ty Việt Thuận đang lấy lại phong độ sau năm 2022 gần như im bặt trên thương trường và đã đón nhận lần trượt thầu đầu tiên trong suốt lịch sử hoạt động. Trước đó, 2021 được xem năm thắng lớn của nhà thầu với màn trình diễn "bách chiến bách thắng" gây ấn tượng với giới quan sát địa phương.
Điều đó cho thấy, con tàu lớn Việt Thuận đã vượt qua sóng lừng, biển thẳm nhờ khả năng chèo chống khéo léo và tài ba của thuyền trưởng Trịnh Trung Úy.
Dấu ấn thuyền trưởng tài ba
Theo giới thiệu, công ty Việt Thuận đến nay đã sở hữu một lượng lớn các phương tiện vận tải hiện đại và đa dạng, bao gồm tàu biển, tàu SB và tàu sông với tổng trọng tải hàng trăm nghìn DWT. Những thành công đó đến từ năm tháng lăn lộn thương trường, không ngừng nỗ lực phấn đấu của cặp đôi doanh nhân - ông Trịnh Trung Úy và phu nhân Nguyễn Thị Nga.
Ông Trịnh Trung Úy, Tổng giám đốc Công ty Việt Thuận |
Trong 10 năm hoạt động đầu tiên, mọi việc chưa khi nào là dễ dàng đối với Việt Thuận. Để có thể tồn tại giữa thị trường vận tải biển cạnh tranh gắt gao, buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn tìm kiếm con đường phát triển mới, phù hợp với xu thế của thời đại.
Song, cuối cùng nỗ lực của công ty Việt Thuận đã được đền đáp. Quan hệ hợp tác và phát triển với Vinacomin là chất xúc tác để thúc đẩy doanh nghiệp liên tục tăng trưởng, dễ thấy qua quy mô hoạt động ngày một sinh sôi, nảy nở.
Nếu như cuối tháng 3/2016, Việt Thuận có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, thì đến tháng cuối tháng 6/2017, con số này là 108 tỷ đồng và tăng gần gấp đôi chỉ sau ba tháng kế tiếp (198 tỷ đồng). Đến tháng 8/2018, vốn điều lệ của Việt Thuận đứng ở mức 389 tỷ đồng, một năm sau là 800 tỷ đồng và trong lần tăng vốn gần nhất, tháng 10/2020, doanh nghiệp vận tải có vốn tròn 1.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Trịnh Trung Úy là người sở hữu 80% cổ phần doanh nghiệp, còn lại 20% thuộc về vợ ông. Cần nhắc lại, từ năm 2016, công ty Việt Thuận bước vào giai đoạn hợp tác tích cực với Vinacomin và các công ty vệ tinh, trở thành "bạn đường" trong những chuyến vận chuyển than lênh đênh vượt biển, phân phối tới các nhà máy nhiệt điện lớn nhỏ từ khu vực miền Trung trở vào.
Với trợ lực từ Vinacomin, kết quả kinh doanh của Công ty Việt Thuận đã tăng trưởng mạnh trong những năm qua.
Kết quả kinh doanh của Công ty Việt Thuận tăng phi mã, thậm chí trong cả năm Covid thứ hai (2021) |
Theo tài liệu của Báo Công Thương, doanh thu thuần của công ty Việt Thuận liên tục xô đổ kỷ lục theo từng năm. Cá biệt năm 2020, trước tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, doanh thu mới tạm chững, cùng với việc ghi nhận các chi phí tăng vọt trong quá trình phòng, chống đại dịch lây lan, lợi nhuận của doanh nghiệp mới đột ngột giảm sâu.
Nhưng ngay trong năm 2021, khi dịch bệnh cơ bản chưa được kiểm soát, doanh thu của công ty Việt Thuận bất ngờ vụt lên đỉnh với 2.866 tỷ đồng, tăng đến 73% so với năm trước. Sang năm 2022, mốc doanh thu kỷ lục tiếp tục được doanh nghiệp duy trì.
Cùng đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 - 2022 của công ty Việt Thuận cũng rất lớn, xét về tỷ lệ doanh thu/lợi nhuận đều bỏ xa các năm liền trước.
Việc công bố lợi nhuận cao ngất ngưởng giúp công ty Việt Thuận nâng cao uy tín và thương hiệu trong mắt các đối tác của họ. Vì thế, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp dù tương đối cao, lên đến 3.747 tỷ đồng tính tại ngày chốt năm 2022, trong đó 3.420 tỷ đồng là nợ vay (nợ mất lãi, có thế chấp tài sản), cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu (1.193 tỷ đồng), cũng không làm các chủ nợ bất an.
Chủ nợ của Việt Thuận là các ngân hàng như TPBank, Agribank, MBBank, VietinBank... |
Nỗ lực "vực dậy" con tàu sắp đắm
Công ty Việt Thuận hiện là công ty mẹ sở hữu 69,5% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Vận tải thủy - Vinacomin (UPCoM: WTC), sau khi chi gần 85 tỷ đồng để mua lại hơn 6,9 triệu cổ phiếu WTC do Vinacomin bán ra vào cuối năm 2018.
Từ đó đến nay, ông Trịnh Trung Úy là Chủ tịch HĐQT của Vận tải thủy - Vinacomin. Công ty này từng âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng, kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục tại thời điểm trước giao dịch song ông Trịnh Trung Úy lúc đó với nhãn quan tinh nhạy của một doanh nhân, vẫn nhìn thấy cơ hội của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Vinacomin này.
Để vực dậy Vận tải thủy - Vinacomin, ngay khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, tháng 4/2019, ông Trịnh Trung Úy không ngần ngại cho doanh nghiệp vay số tiền 200 tỷ đồng, theo công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 tổ chức tháng 4 cùng năm.
Dẫu vậy, sau đó công ty Việt Thuận cũng phát sinh hợp đồng vay vốn lại từ phía vận tải thủy - Vinacomin trị giá trăm tỷ đồng. Trong một thông báo năm 2021, công ty Việt Thuận đã xin giãn thời hạn trả gốc cho phía vận tải thủy - Vinacomin từ 12 lên 18 tháng, do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản mang tính hình thức bởi cả 2 doanh nghiệp vốn đang được chi phối dưới bàn tay đại gia Trịnh Trung Úy.
Liên quan đến đấu thầu, tương tự Việt Thuận trong những ngày đầu tháng 2/2021, vận tải thủy - Vinacomin cũng trúng gói thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển than bằng đường biển đi nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tới từ Vinacomin với giá 71 tỷ đồng, thấp hơn giá gói 9%.
Trước đó, vận tải thủy - Vinacomin trúng gói thầu dịch vụ tiếp nhận, chế biến than nhập khẩu năm 2020 (tháng 3/2020) với giá trúng 66,8 tỷ đồng, tiết kiệm 0,8% cho chi nhánh Vinacomin - Công ty Kho vận Đá Bạc Vinacomin.
Đặc biệt, vận tải thủy - Vinacomin trúng thầu dưới vai trò liên danh với Công ty Cổ phần Khai thác Khoáng sản và Dịch vụ Itasco, một doanh nghiệp từng được ông Trịnh Trung Úy nắm giữ 53,3% vốn (thành viên của Vinacomin).
Ngoài các pháp nhân nêu trên, ông Trịnh Văn Úy cũng sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty TNHH Thương mại Linh Việt Hải, Công ty TNHH Vận tải Nam Việt Thuận, Công ty TNHH Thương mại Xan Da và Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu than đá Nam Anh...