Từ những điểm sáng soi rõ những nỗ lực của kinh tế Việt Nam
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nửa cuối năm 2023 TS Nguyễn Minh Phong: Môi trường kinh tế Việt Nam vẫn là “miếng bánh ngọt” thu hút vốn đầu tư nước ngoài |
Năm 2023 nên được nhìn nhận thế nào? Đây không chỉ là câu hỏi lớn cho kinh tế Việt Nam mà còn với cả nhiều nền kinh tế phát triển đang có đà tăng trưởng ổn định trên thế giới.
Và cũng đã có câu trả lời. Đó là năm 2023 là một năm khác thường, không giống với bất cứ một năm tăng trưởng phát triển kinh tế nào trước đây, càng không giống với các kịch bản được hoạch định, được trù liệu.
Bối cảnh đó với kinh tế Việt Nam thực sự là một thách thức lớn đòi hỏi cả hệ thống chính trị không chỉ vào cuộc với tâm thế quyết liệt mà còn có những thời điểm vừa đòi hỏi chúng ta vừa phải lăn xả, lại vừa phải rất linh hoạt, quyết đoán. Và đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới của nhiều tổ chức và định chế tài chính có uy tín của thế giới không phải là xã giao, càng không phải là điều ngẫu nhiên.
Nếu cần “điểm danh” các mảng sáng đó của Việt Nam thì đó là điều hành chính sách tiền tệ đã mang một độ linh hoạt hiếm thấy vừa bảo đảm thanh khoản cho cả hệ thống vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tuy rằng còn rất nhiều việc phải làm. Và đi cùng đó là vượt qua được “cơn gió ngược” về lạm phát để tạo dư địa điều hành đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% do Quốc hội đề ra.
Ảnh minh hoạ |
Hai mảng sáng nữa trong bức tranh kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay thuộc về giải ngân vốn đầu tư công và đối ngoại. Tỷ lệ giải ngân đạt 51% kế hoạch trong 9 tháng là một tỷ lệ chưa bao giờ có được trong khi các hoạt động đối ngoại, hoạt động “ngoại giao đơn hàng” đạt được nhiều kết quả quan trọng và đây có thể xem như một dư địa để bứt tốc không chỉ cho quý cuối cùng của năm 2023 mà còn tạo đà cho cả năm 2024.
Nhưng có một điều cần được nhấn mạnh ở đây là nỗ lực nào đã làm nên những điểm sáng đó cho cả nền kinh tế và sẽ là không đầy đủ khi không làm rõ được các nỗ lực của cả hệ thống chính trị để tạo dựng những con số tăng trưởng đáng khích lệ, dù chưa được như kỳ vọng, chưa được như mục tiêu.
Từ đầu năm đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả về thể chế và tài chính. Chính phủ đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách như giảm thuế, miễn thuế, gia hạn hoặc kéo dài các nghĩa vụ về tài chính quanh con số 150 nghìn tỷ đồng. Đó thực sự là một con số không nhỏ, một động lực to lớn để vượt qua những “cơn gió ngược” của môi trường kinh tế thế giới, các xung đột địa chính trị mang lại.
Một nỗ lực lớn nữa là những kết quả tăng trưởng từ đầu năm đến nay đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp, không ỷ lại vào Chính phủ. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần ghi nhận những đóng góp rất tích cực của các địa phương. Nhiều địa phương mặc dù bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhưng tốc độ giải ngân, thu ngân sách, tăng trưởng phát triển kinh tế vẫn đạt được kết quả khích lệ.
Ở đây cần chú ý rằng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân vào sự điều hành của Quốc hội, Chính phủ đã tăng lên và đây chính là điểm khác biệt cần được nhấn mạnh của kinh tế Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác.
Một nỗ lực lớn nữa là sự quyết liệt, quyết tâm trong hành động của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách, đặc biệt là ở các thời điểm khó khăn nhất của môi trường kinh tế. Có thể nhận ra điều đó ở thời điểm tháng 7 và 8 khi Thủ tướng chỉ đạo rất mạnh mẽ về sự chuyển hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, phù hợp. Hành động này một lần nữa thể hiện rõ sự quyết đoán của Chính phủ.
Phía trước của kinh tế Việt Nam là khoảng thời gian quyết định để vừa thực thi đến mức cao nhất mục tiêu của năm 2023, vừa để chạy đà cho năm 2024. Chúng ta có đủ tâm thế tự tin, đủ nỗ lực để thực hiện điều này.