Từ một cuốn sách nghĩ về phát triển công nghiệp văn hoá
Ra mắt Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 Ra mắt sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức ra mắt sách Nhật ký CEO Meetings |
Đã có nhiều cuốn sách, công trình tôn vinh ca trù nhưng ngoài những người làm nghề, các nhà nghiên cứu, cái danh xưng “ả đào” từng bị ghẻ lạnh một thời, hoá ra với ca trù chỉ là một. Và với cuốn sách “Ả đào”, bạn đọc có cơ hội ngược dòng lịch sử để xem cách thức cha ông ta thương mại hóa một loại hình nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao.
Năm 2009 UNESCO chính thức ghi danh nghệ thuật Ca trù của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Trước đó, ít ai biết rằng trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc có sự tồn tại của một loại hình nghệ thuật mang tên Ca trù. Cũng không mấy ai biết rằng nó vốn có tên Ả đào, Cô đầu, Hát Ca công, Hát nhà tơ... Còn trong cung vua phủ chúa thời xưa, loại hình này còn được gọi là Hát cửa quyền.
Ra mắt cuốn sách "Ả đào" tại Hà Nội |
Ngược dòng lịch sử trở về nửa đầu thế kỷ XX, Ả đào là một thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất, bao phủ khắp các vùng từ miền Bắc trở vào cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sang đến nửa sau của thế kỷ XX, khi lịch sử sang trang, cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi này đã dần chấm dứt. Khắp các vùng miền, giáo phường Ả đào giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thị thành buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích, khuất dần theo bóng xế chiều. Và Ả đào biến mất hoàn toàn khỏi đời sống xã hội cũng là khi cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi cũng dần chấm dứt. Chỉ sau khi được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thế giới, Ca trù mới được biết đến nhiều hơn, phong trào ca trù trên cả nước dần sôi nổi.
Tuy nhiên, hệ thống tư liệu của Ca trù là một thực trạng tồn đọng, khiến những người yêu mến muốn tìm hiểu, học hỏi không biết đâu là đúng - sai, hay - dở thế nào. Trong sách “Ả đào”, tác giả Bùi Trọng Hiền đã đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của loại hình nghệ thuật cổ truyền này.
Qua 7 phần nội dung với trên 600 trang sách được trình bày một cách lớp lang và có hệ thống, bạn đọc sẽ từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của hát Ả đào, và hiểu được lý do vì sao loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Không chỉ vậy, “Ả đào” còn là câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống Việt Nam trong 9 năm ròng rã của tác giả Bùi Trọng Hiền, và câu chuyện ghi nhận tài năng, công lao của những người phụ nữ làm nghệ thuật trong lịch sử văn hóa dân tộc.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền là người có nhiều cống hiến cho việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong hành trình nghiên cứu và tìm tòi khám phá những ngóc ngách bí ẩn của lịch sử âm nhạc dân tộc, ông đã có những đóng góp đáng kể, đặc biệt là đối với Ả đào và Cồng chiêng Tây Nguyên – cả hai đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hoá trong bối cảnh hội nhập. Nhưng bắt đầu như thế nào và ở đâu là câu hỏi không dễ trả lời. Từ chuyên khảo nghiên cứu “Ả đào” gợi cho thấy, lối ra cho phát triển công nghiệp văn hoá mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, hiện đại mà không lai căng chính là đi lên từ những di sản văn hoá mà ông cha ta đã để lại.
Và ở đây, nói như nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, điều kiện tiên quyết để phát triển được một công nghiệp văn hoá chính là yếu tố con người. Điều này càng đúng với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật ả đào-ca trù mà cụ thể là cần coi trọng đúng mức việc đào tạo, bồi dưỡng các nghệ sĩ, nghệ nhân đủ sức mang hồn một di sản văn hoá quý báu vượt khỏi biên giới quốc gia, đi ra với nhân loại.