Từ chỉ số niềm tin kinh doanh đến niềm tin điều hành của Chính phủ
Chỉ số niềm tin kinh doanh của Việt Nam tăng vọt Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp EU ở Việt Nam tiếp tục tăng |
Theo đó chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý III năm 2023 đã tăng lên 45,1 điểm từ mức 43,5 điểm của quý trước. Mặc dù con số vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp, mức tăng nhỏ này đã cho thấy một dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kết quả khảo sát mới này của EuroCham cho thấy sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn nữa, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.
Chỉ số niềm tin kinh doanh được thực hiện hàng quý của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy xu hướng tăng trở lại trong trong quý III/2023, đem tới những hy vọng mới cho môi trường kinh doanh của Việt Nam sau một năm đầy biến động.
Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam mà EuroCham là đại diện không chỉ cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh, không gian kinh doanh tại Việt Nam mà điều lớn hơn, có ý nghĩa hơn chính là niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ Việt Nam.
Trước và trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp giới đầu tư nước ngoài đã đặt câu hỏi liệu Việt Nam có mạnh lên sau đại dịch hay không, nhất là lại xuất hiện thêm “những cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới khi mà kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao.
Việt Nam là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh hoạ. |
Và thực tế là câu trả lời tốt nhất, khẳng định niềm tin tốt nhất với các nhà đầu tư khi Việt Nam đã không chỉ vượt qua được các cơn gió ngược thử thách các nền kinh tế mà còn đứng vững và mạnh lên. Việt Nam đã tự chứng tỏ là điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế thế giới năm 2023, có thể khẳng định chắc chắn như vậy.
Niềm tin đó đã truyền cảm hứng, truyền thông điệp vững chắc tới các nhà đầu tư để họ có thể không còn đơn thuần “trông giỏ, bỏ thóc” theo lề thói kinh doanh thông thường mà còn mang một tâm trạng mới khi “sau cơn mưa trời lại sáng” để có thể cụ thể hoá số vốn đã đăng ký vào Việt Nam. 9 tháng của năm 2023 đã ghi nhận số vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện thuộc vào hàng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Có cả những nhà đầu tư chuyển dây chuyền, cơ xưởng sang Việt Nam không phải do các xu thế nhất thời khi các nền kinh tế va đập nhau mà còn coi đây là xu thế lâu dài, đến đây sẽ ở lại đây.
Người ta thấy không chỉ trong thời gian đại dịch, Chính phủ đã quyết liệt trong điều hành đến độ lăn xả mà cả trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng thể hiện cả điều này. Cùng với đó là những giải pháp hết sức quyết liệt, hết sức quyết đoán của Chính phủ. Sự chuyển hướng kịp thời trong các kế sách hoạch định của Chính phủ mang tính linh hoạt đã cho thấy Việt Nam không chỉ quan tâm đến thành công của doanh nghiệp trong nước mà còn là của doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bất cứ môi trường, hoàn cảnh kinh doanh nào, niềm tin vào sự điều hành của mọi Chính phủ đều có ý nghĩa mang tính quyết định với tăng trưởng. Việt Nam đã cho thấy những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời.
Niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ còn được thể hiện khi các nhà đầu tư không chỉ thể hiện thái độ qua các cuộc khảo sát, thăm dò mà còn được thể hiện qua việc chia sẻ những đường hướng điều hành với Chính phủ. Theo đó môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ nhiều hấp lực hơn nữa khi mà tiếp tục thúc đẩy đầu tư công cũng như thúc đẩy tốt thực hiện chính sách tài khóa để tăng cường kích cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.
Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Những “lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu.
Việt Nam chưa phải là một "miền đất hứa" của đầu tư nước ngoài thế nhưng ở đây có một điều không dễ tìm thấy ở các nơi khác, đó là niềm tin trong kinh doanh, niềm tin vào phong cách điều hành, đối thoại, lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ ở cấp Chính phủ. Cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả đã làm nên niềm tin lớn đó.