Triển vọng kinh tế Trung Quốc lạc quan hơn khi CPI tăng trở lại
Kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc trong quý 4 IMF dự báo Trung Quốc sẽ đóng góp 25% vào tăng trưởng toàn cầu năm 2023 |
Áp lực giảm phát của Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng 8 cho thấy nhu cầu có sự cải thiện, ngoài ra, tạp chí chứng khoán Trung Quốc cho biết nhu cầu tín dụng dự kiến phục hồi, bổ sung thêm một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc dần ổn định, theo Bloomberg Economics đưa tin.
Hình minh họa |
Cụ thể, số liệu được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào cuối tuần trước đã chỉ ra chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,1% trong tháng 8, sau khi giảm lần đầu tiên sau hơn 2 năm vào tháng 7, trong khi đó, đà giảm của giá tại cổng nhà máy đã thu hẹp, với mức giảm 3%, thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với tháng 7.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng các khoản vay trung và dài hạn sẽ tăng trở lại trong tháng 8, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng 7. Nhu cầu tín dụng phục hồi cho thấy dấu hiệu tích cực hơn về nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, các nhà kinh tế cảnh báo áp lực giảm phát không hoàn toàn biến mất do chỉ số CPI vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức của Chính phủ là khoảng 3% trong năm nay. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng dịch vụ đang suy yếu, sau khi lĩnh vực này trở thành động lực chính cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vào đầu năm nay.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực được coi là trụ cột của nền kinh tế nước này, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết các chính sách gần đây “có thể tạo ra sự phục hồi ngắn hạn trong giao dịch bất động sản, nhưng không đủ để ổn định thị trường bất động sản”. Họ mong đợi sự nới lỏng hơn nữa, bao gồm cắt giảm lãi suất hoặc các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản quy mô lớn nếu doanh số bán nhà tiếp tục trượt dốc và tăng trưởng chậm hơn nữa.