Tranh luận về việc để địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Những điểm thí sinh cần lưu ý trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT Gần 1 triệu thí sinh dự thi môn đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Với lý do này, cử tri TPHCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kỳ thi.
Là phụ huynh có con chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, chị Nguyễn Thị Nga (Thanh Hoá) không ủng hộ đề xuất nêu trên.
"Để làm ra một bộ đề thi đảm bảo chất lượng không hề đơn giản, cần đội ngũ giáo viên, chuyên gia có đủ trình độ để xây dựng. Nếu để các địa phương tổ chức, khó đảm bảo độ công bằng, tin cậy để làm cơ sở cho việc xét tuyển đại học" - chị Nga nói.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT rất tốn kém và đòi hỏi quy trình đảm bảo an ninh, an toàn cao. Ảnh: Thiều Trang |
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Do đó, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỉ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục).
"Nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp THPT không học" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ năm 2015 đến năm 2020, kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy học và giúp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đầu vào.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2020, 2021, 2022 được tổ chức thành công, đạt mục tiêu kép vừa bảo đảm nghiêm túc, khách quan vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi ở địa phương, thực hiện tất cả các khâu đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT;
Các trường đại học, cao đẳng tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo điều động của Bộ GDĐT để góp phần tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan, tin cậy, bảo đảm phục vụ tốt cho các mục đích tổ chức thi, nhất là tham khảo sử dụng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm theo tinh thần tự chủ.
Bộ GDĐT đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022; đồng thời, triển khai xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kết quả thi vẫn sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các bên liên quan tiếp tục có thể tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ GDĐT.