TP. Hồ Chí Minh: Đã giải ngân 568.340 tỷ đồng lãi suất thấp
ECB hạ dự báo tăng trưởng và duy trì lãi suất thấp kỷ lục tại Eurozone Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng Tỷ giá nóng trở lại, lãi suất có bị cản đường hạ nhiệt? |
568.340 tỷ đồng lãi suất thấp được giải ngân
Thông tin tại chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2023, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, có 13 ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký gói tín dụng ưu đãi, với quy mô đạt 434.280 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông qua chương trình, các ngân hàng đã giải ngân tới 568.340 tỷ đồng, bằng 131% gói tín dụng ưu đãi đăng ký từ đầu năm, và tăng 16,6% so với năm 2021.
"Kết quả này cho thấy, chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, khi tiếp cận được vốn tín dụng với lãi suất cho vay thấp, khoảng 6%/năm ở thời hạn cho vay ngắn hạn và khoảng 10%/năm trung, dài hạn ", ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã cùng Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và TP. Thủ Đức tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo từng chuyên đề: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất… nên đã mang lại hiệu quả cao, tính lan tỏa và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
568.340 tỷ đồng lãi suất thấp đã được giải ngân trong năm 2022 |
Đơn cử như việc ký kết trực tiếp tại hội nghị trên địa bàn các quận - huyện và TP. Thủ Đức trong năm 2022 đạt 11.416 tỷ đồng, gồm hỗ trợ vốn lãi suất thấp và cơ cấu lại nợ, để giảm bớt khó khăn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông lệnh cũng thừa nhận có nhiều quận, huyện chưa tổ chức kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2022 và thực tế số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất theo quy định Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng nhà nước chưa đạt như kỳ vọng.
Tăng kết nối ngân hàng – doanh nghiệp
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố với doanh số đạt 469.000 tỷ đồng.
Trong số này, các ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm lãi suất cho vay các chương trình của ngân hàng 300.000 tỷ đồng, tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp 100.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ hơn 9.000 tỷ đồng (lũy kế thực hiện gói hỗ trợ 2% tại TP. Hồ Chí Minh đã đạt trên 15.000 tỷ đồng).
Về vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng, ông Tuấn cho biết, với các hành vi tự động tăng lãi suất một cách không minh bạch, gây khó dễ khi doanh nghiệp muốn rút tài sản bảo đảm khi hết dư nợ vay, hay từ chối cho vay mà không có lý do chính đáng... đơn vị sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để làm rõ hành vi của các ngân hàng, có biện pháp xử lý.
Liên quan đến vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho rằng lãi suất cao là rủi ro lớn với ngân hàng. Bởi chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao dẫn đến khả năng nợ xấu, mà đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành ngân hàng.
Để đảm bảo tính bình đẳng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, ông Tùng cho rằng cốt lõi là phải minh bạch thông tin, đặc biệt thông tin trong hợp đồng. Ông đề nghị các doanh nghiệp phản ánh với Ngân hàng nhà nước khi phát hiện sự không minh bạch của các ngân hàng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, thực tế từ cuối năm 2022 đến nay vốn và lãi suất là hai vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp. Do đó, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cần quan tâm đến việc cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tùy chính sách và điều kiện của từng ngân hàng.
Trong thời gian tới, ông Phan văn Mãi đề nghị Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn. Cùng với đó, nên có các kênh kết nối khác để các doanh nghiệp thường xuyên phản ánh các vướng mắc, kiến nghị đến cơ quan quản lý tiền tệ và lãnh đạo thành phố.
Tại hội nghị kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023, 16 ngân hàng thương mại cũng đã ký kết với 64 doanh nghiệp, tổng gói tín dụng vào khoảng 11.000 tỷ đồng. Lũy kế sau 10 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đã có 157.000 khách hàng tham gia với số dư nợ gần 3 triệu tỷ đồng. |