Tỏi Lý Sơn: Lần đầu tiên có mô hình liên kết bao tiêu dài hạn
Tỏi Lý Sơn mất mùa và mất giá, nông dân huyện đảo lao đao Nỗ lực bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn |
Từ bao đời nay, nông dân Lý Sơn đã gắn bó với nghề trồng tỏi - nghề ông cha để lại. Tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu của bà con huyện đảo. Đặc biệt vừa qua, tỏi Lý Sơn đã tìm được hướng đi bền vững khi địa phương liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi. Sự liên kết, hợp tác này kỳ vọng mang lại thu nhập bền vững cho người dân huyện đảo.
Sản phẩm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn sử dụng 100% tỏi từ đảo Lý Sơn (Ảnh: VOV) |
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 300 ha trồng tỏi, cung cấp ra thị trường trên 2.500 tấn tỏi khô. Thổ nhưỡng đặc thù từ dung nham núi lửa kết hợp kinh nghiệm canh tác lâu đời của người dân bản địa đã tạo nên hương vị đặc biệt cho tỏi Lý Sơn.
Tỏi Lý Sơn nổi tiếng bởi có mùi thơm, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt, củ tỏi nhỏ, trắng, tép đều, hàm lượng tinh dầu khá cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian qua dù là cây trồng chủ lực trên đảo nhưng giá tỏi phụ thuộc nhiều vào thị trường nên thu nhập của người trồng tỏi Lý Sơn luôn bấp bênh.
Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh và Công ty Cổ phần Dori, 2 doanh nghiệp đầu tiên của huyện đảo Lý Sơn đã ký hợp đồng cung ứng tỏi Lý Sơn với Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Đây là lần đầu tiên có một hợp đồng liên kết bao tiêu dài hạn, giúp người dân ổn định thu nhập, yên tâm sản xuất.
Các doanh nghiệp này đã chủ động liên kết với người trồng tỏi, phổ biến, hướng dẫn quy trình sản xuất để đảm bảo củ tỏi chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn theo hợp đồng. Theo đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh đã liên kết với khoảng 100 hộ dân trồng tỏi, hướng dẫn bà con trồng tỏi sạch. Các hộ tham gia liên kết chỉ sử dụng phân bón và thuốc vi sinh, không dùng các loại thuốc diệt cỏ hoặc thuốc trừ sâu. Cách làm này vừa giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, không gây ô nhiễm môi trường mà năng suất tỏi cũng tăng.
Cùng với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh, Công ty Cổ phần DORI cũng cam kết sẽ liên kết với nông dân thu gom sản phẩm đúng chất lượng, đảm bảo giá cả luôn có lợi cho người nông dân.
Với Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, tỏi Lý Sơn đã trở thành nguồn nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm Nam Ngư Ớt tỏi Lý Sơn, được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm chiến lược của công ty trong thời gian tới.
Đại diện Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết: Với mục tiêu nâng tầm giá trị đặc sản địa phương của các vùng miền đất nước, Masan Consumer (nhãn hàng Nam Ngư) đã tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu đặc sản của địa phương. Sử dụng 100% tỏi Lý Sơn trong chế biến các sản phẩm nước chấm, Masan Consumer không chỉ giúp người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức đặc sản của đảo tiền tiêu mà còn nâng cao giá trị thương hiệu tỏi Lý Sơn. Đây cũng là hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả nhằm thúc đẩy thương mại hoá, góp phần đưa đặc sản tỏi Lý Sơn trở thành thương hiệu quốc gia, được biết đến rộng rãi hơn nữa trên thế giới.
Nông dân Lý Sơn đã chuyển sang phương thức trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh: Hữu Danh) |
Trước mắt, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sẽ hợp đồng với huyện Lý Sơn và người trồng tỏi, trung bình mỗi năm mua khoảng 50 tấn tỏi khô để chế biến nước chấm chua ngọt Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn. Sản lượng mua hàng dự kiến sẽ tăng theo từng năm.
Là đặc sản của địa phương, tỏi Lý Sơn đã quen thuộc với người tiêu dùng nhưng phần lớn sản phẩm chưa được chế biến sâu. Vì vậy, được sử dụng làm nguyên liệu chính trong chế biến nhiều mặt hàng thực phẩm của Masan Consumer, tỏi Lý Sơn đã có bước ngoặt mới cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ. Thời gian tới, Masan Consumer sẽ tiếp tục khai thác các loại nông sản đặc thù có giá trị khác như: Gừng, me, sả, tiêu... để nâng tầm các thương hiệu nông sản Việt.
Thực tế cho thấy, thị trường xuất khẩu yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, nhất là các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng chất gây ô nhiễm... Nếu hàng hóa không đáp ứng các tiêu chí này có nguy cơ bị trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ. Chính vì vậy, ngoài chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu bài bản, người trồng tỏi Lý Sơn cần thay đổi khâu sản xuất theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalGAP, HACCP… Ngoài ra, huyện Lý Sơn cần quy hoạch vùng trồng đủ điều kiện để được cấp mã số nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực và thu hút nhà đầu tư hệ thống logistics, hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh tỏi an toàn, thân thiện với môi trường gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng...
Mô hình liên kết 3 nhà gồm người dân, chính quyền và doanh nghiệp đã nâng cao giá trị tỏi Lý Sơn. Người trồng tỏi không còn phải lo đầu ra của sản phẩm nên tập trung vào quy trình trồng, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng; từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |