Tọa đàm Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi, nhanh chóng đưa các quy định của Luật đi vào thực tiễn cuộc sống, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo Nghị định). Theo đó, một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung với nhiều điều khoản, quy định mới liên quan đến hoạt động nhiều ngành hàng, trong đó có bán hàng đa cấp.
Đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và thống nhất
Theo bà Hoàng Thị Thu Trang – Ban quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) - nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Từ khi Nghị định ra đời đến nay đã có 4 văn bản quy bản pháp luật quy định cụ thể liên quan đến ngành hàng đa cấp.
Hiện Bộ Công Thương đang Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống.
Báo Công Thương tổ chức Toạ đàm Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |
Nhằm đảm bảo các quy định ngày càng chặt chẽ, minh bạch, công khai, đầu năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP, tạo nên hành lanh pháp lý đầy đủ để tạo điều kiện cho hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương cũng đề xuất Quốc hội bổ sung bán hàng đa cấp vào Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Tất cả các quan điểm của cơ quan soạn thảo đều phải tuân thủ theo quan điểm của Chính phủ. Những quan điểm, đề xuất, nghiên cứu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đều đã được thể hiện trong Dự thảo Luật", bà Trang nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Thu Trang – Ban quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương). |
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng - cho biết, Hiệp hội luôn được Bộ Công Thương và các bộ phận chức năng đề nghị phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các dự thảo Nghị định hướng dẫn.
"Hiệp hội cảm ơn Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Hội trong quá trình xây dựng Luật để đảm bảo bảo vệ người tiêu dừng tối ưu nhất. Những nội dung lấy ý kiến đưa vào Dự thảo Luật Bảo vệ Người tiêu là thỏa đáng và rất thực tiễn. Nếu vấn đề được triển khai thì rất tốt cho người tiêu dùng", ông Trung khẳng định.
Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng. |
Chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long cho hay kinh tế thị trường phải tôn trọng các luật, được thể hiện dưới văn bản pháp quy. Nhưng trong quá trình xây dựng luật, một điều hết sức quan trọng là phải sát với thực tế, phù hợp với thực tế. Có như vậy thì luật mới đi vào cuộc sống. Bản thân luật nhiều khi không thể bao trùm được toàn bộ những quy định rất cụ thể, cho nên đòi hỏi phải có những văn bản dưới luật đó là Nghị định.
Doanh nghiệp mong muốn môi trường kinh doanh ổn định
Bà Tạ Dịu Thương – Trưởng ban pháp chế Hiệp hội Bán hàng Đa cấp – đánh giá việc xây dựng quy định pháp luật liên quan đến bán hàng đa cấp nhằm mong muốn tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng.
Bà Tạ Dịu Thương – Trưởng ban pháp chế Hiệp hội Bán hàng Đa cấp. |
Theo bà Dịu, tính từ 2018 đến nay (năm mà Nghị định 40/2018 của Chính phủ ra đời), đã có 4 văn bản quy định và hiện giờ là Dự thảo để quy định chi tiết cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Như vậy, so với tất cả các ngành thì có thể thấy được ngành bán hàng đa cấp quy định khá chặt chẽ và cụ thể.
Điều này cho thấy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng như các cơ quan nhà nước rất muốn tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng. Nhờ những nỗ lực này mà hiện giờ ngành bán hàng đa cấp rất lành mạnh, các doanh nghiệp được cấp phép – doanh nghiệp chân chính, đã có môi trường lành mạnh hơn rất nhiều để có thể hoạt động tập trung tạo ra 2.400 tỷ thuế, 21.000 tỷ doanh thu. Tuy nhiên đứng về phía các ngành kinh doanh, doanh nghiệp đa cấp tha thiết mong muốn được hoạt động trong một môi trường ổn định.
"Chúng tôi chia sẻ mục tiêu, đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, bởi nhờ những nỗ lực này mà ngành bán hàng đa cấp đã dần được lành mạnh hóa, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính cũng được bảo vệ nhiều hơn trong môi trường lành mạnh này. Tuy nhiên, là một ngành kinh doanh, chúng tôi cũng tha thiết mong muốn được hoạt động trong một môi trường pháp lý ổn định và các thay đổi, nếu có, là có thể dự đoán được", bà Dịu nói.
Bà Dịu cũng nhận định, khung khổ pháp lý quản lý hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay đã khá đầy đủ. Việc bổ sung các quy định mới nên được cân nhắc một cách thấu đáo hơn, có lưu ý tới những khó khăn và chi phí to lớn mà các doanh nghiệp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp phải gánh chịu do phải liên tục thay đổi để tuân thủ các quy định mới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam - chia sẻ, về nguyên tắc, mong muốn của các doanh nghiệp luôn là môi trường pháp lý cần đảm bảo tính ổn định, có thể dự đoán và đặc biệt là tính khả thi cũng như không làm tăng các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp bất hợp lý. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp mới, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, mang lại các lựa chọn phong phú hơn cho người tiêu dùng với mức giá hợp lý hơn.
"Đối với Amway Việt Nam, chúng tôi luôn ủng hộ việc xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển lành mạnh và bền vững ngành bán hàng đa cấp", ông Sơn khẳng định.
Nhằm đảm bảo kịp thời, công bằng, minh bạch trong bảo vệ lợi ích người tiêu dùng vừa giúp hội viên hoạt động kinh doanh hiệu quả, không làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp, bà Thương đề xuất một số giải pháp như không mặc nhiên cấm việc sử dụng “người có ảnh hưởng” hoặc “người đã hoặc đang hành nghề khám chữa bệnh” cung cấp thông tin về thực phẩm, để cung cấp thông tin mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bảo đảm các đối tượng này, phải cung cấp thông tin một cách trung thực, đầy đủ, chính xác về sản phẩm và công bố công khai với người tiêu dùng việc tài trợ cho các đối tượng này để cung cấp thông tin (nếu có).
Không đưa ra các quy định “cấm” mà chuyển sang hình thức yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp quy định rõ trong quy tắc hoạt động về việc người tham gia bán hàng đa cấp không được dự trữ hàng hóa và không tư vấn cho người khác dự trữ hàng hóa ngoài mục đích tiêu dùng, đồng thời quy định hình thức xử lý đối với người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm...
"Hiệp hội hiểu rằng, việc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề xuất các quy định này cũng là một phần trong nỗ lực lành mạnh hóa ngành bán hàng đa cấp, qua đó bảo vệ các doanh nghiệp và cá nhân bán hàng đa cấp chân chính. Tuy nhiên, sau một thời gian dài “siết chặt thị trường” của các cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng, với chỉ còn 19 doanh nghiệp (so với hơn 60 vào năm 2016) chịu sự quản lý của Bộ Công Thương, 63 Sở Công Thương cùng các cơ quan, ban ngành, lực lượng liên quan, có lẽ cần có một cái nhìn công bằng hơn với ngành đã tạo ra thu nhập thêm cho hàng trăm ngàn người tham gia, đóng góp cho ngân sách VN 2400 tỷ/năm. Đổi lại, thay mặt các doanh nghiệp trong hiệp hội, chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và với các cơ quan hữu quan trong việc tuân thủ để phát triển bền vững tại Việt Nam", bà Thương khẳng định.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế không chỉ là trách nhiệm của các bộ, ban, ngành mà còn là nhiệm vụ của cả xã hội. Quyền lợi và an toàn của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp và cá nhân.
Những năm qua, kể từ khi có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được đảm bảo. Nhưng thực tế cho thấy còn nhiều hạn chế trong quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, và trách nhiệm của doanh nghiệp khi có khiếu nại. Các quy định có thể chồng chéo và không cụ thể, dẫn đến hiệu suất thi hành chưa cao và dễ bị lợi dụng.
Để giải quyết những thách thức này, vào ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Luật sửa đổi lần này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định, đã bổ sung một số quy định mới để bảo đảm điều chỉnh toàn diện các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định khi Luật có hiệu lực, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo nội dung Dự thảo, một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung; trong đó có nhiều điều khoản, quy định mới liên quan đến hoạt động ngành hàng đa cấp - thị trường doanh thu tới 21.000 tỷ trong năm 2022, mang lại thu nhập 7.500 tỷ cho hàng trăm nghìn người tham gia bán hàng đa cấp, đóng góp hơn 2.400 tỷ cho Ngân sách nhà nước.
Nhằm có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định và thông tin đầy đủ, đa chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định; Báo Công Thương tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng hướng đến việc tạo ra diễn đàn để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về một số vấn đề được dự thảo trong Nghị định, trong đó có ngành bán hàng theo phương thức đa cấp.