Tiết kiệm năng lượng và câu chuyện “nhìn người, ngẫm ta”
Chia sẻ giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp: Doanh nghiệp cần chủ động |
Việt Nam đang đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế có phần đi trước tốc độ phát triển của các dự án năng lượng.
Từ nhìn người…
Đây cũng là dịp tốt để nhìn rộng rộng ra các nền kinh tế xung quanh xem người ta tiết kiệm năng lượng ra sao.
Để thực hiện công việc này đa phần các nước đều tập trung vào các biện pháp hỗ trợ tiết kiệm năng lượng tiêu hao, thay thế trang thiết bị, xây mới các tòa nhà ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện.
Liên minh châu Âu đã và đang đưa ra các chỉ thị mới nhằm nâng cấp các tòa nhà cũ để tiết kiệm năng lượng hơn, hướng tới thực hiện tham vọng về trung hòa carbon vào năm 2050; giảm nhiệt độ điều hòa; không sử dụng đèn sợi đốt….
Trong khi đó Nhật Bản yêu cầu người dân tắt đèn khi không cần thiết và bật điều hòa ở nhiệt độ 28°C, việc cắt điện theo kế hoạch tại các khu vực được chỉ định để tránh cắt điện trên diện rộng. Đặc biệt nước này yêu cầu tất cả tòa nhà mới xây, bao gồm cả nhà ở, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tiết kiệm điện kể từ tài khóa 2025 (bắt đầu vào tháng 4/2025).
Ai Cập điều chỉnh đồng hồ sớm lên 1 giờ để thực hiện giờ mùa hè và thời gian áp dụng “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày" (DST) kéo dài từ ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 4 cho đến hết ngày thứ năm cuối cùng của tháng 10.
Trong khi đó Pháp trang bị đèn đường thông minh và bóng đèn LED tại nhiều thành phố, qua đó giúp giảm 65% mức tiêu thụ năng lượng. Trang bị thiết bị chiếu sáng tự động có cảm biến chuyển động tại các công trình công cộng, hệ thống đèn đường chỉ bật khi có người đi bộ hoặc ô tô đi qua.
Liên quan đến phát triển năng lượng xanh, bền vững thực tiễn cho thấy các nước tập trung vào các biện pháp phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, địa nhiệt, hydro xanh, nhiệt điện biển; khuyến khích và hỗ trợ người dân sử dụng xe điện thay cho xe chạy bằng xăng và dầu diesel; công bố các chương trình phát triển dài hạn các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải carbon; trợ cấp các ngành công nghiệp liên quan; đẩy nhanh tiến trình cấp phép cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo….
Algeria tập trung phát triển điện năng lượng mặt trời ở sa mạc, triển khai thử nghiệm hệ thống lưu trữ điện năng cho hai nhà máy điện năng lượng mặt trời mới có công suất lần lượt là 3 và 4 MW. Bắt buộc tất cả các đơn vị hành chính cấp xã phải sử dụng năng lượng mặt trời trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng bao gồm cả đường cao tốc và các khu vực miền núi.
Còn Nam Phi công bố các sáng kiến mới về ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành sản xuất năng lượng sạch. Các doanh nghiệp có thể được giảm 125% thu nhập chịu thuế từ khoản chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Nhiều nước châu Âu đẩy nhanh quy trình cấp phép cho hoạt động của các nhà sản xuất công nghệ sạch như hydro tái tạo, tạo ra khung pháp lý đơn giản hơn, thủ tục cấp phép nhanh gọn hơn.
Các công nghệ tiềm năng khác được tạo điều kiện bao gồm ngành sản xuất pin, thu giữ và lưu trữ carbon, năng lượng tái tạo, các công nghệ xây dựng phát thải ít carbon.
Đặc biệt một nước gần Việt Nam là Indonesia đã công bố 5 sáng kiến chính để đạt được mục tiêu hạn chế phát thải carbon.
Thứ nhất, thiết lập một hệ sinh thái thị trường carbon giữa các doanh nghiệp nhà nước để đẩy nhanh các chương trình nghị sự giảm lượng khí thải carbon và thiết lập một mô hình vai trò cho việc hình thành thị trường carbon quốc gia.
Thứ hai, phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo gồm địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học và các năng lực khác.
Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái phương tiện vận tải bằng điện để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhiên liệu, giảm nhập khẩu và trợ cấp nhiên liệu.
Thứ tư, phát triển cơ chế chuyển đổi năng lượng thông qua nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than.
Cuối cùng đó là phát triển các cụm công nghiệp xanh.
Đặc biệt nước này ưu đãi thuế cho các công ty sản xuất năng lượng mới và tái tạo (EBT), áp dụng cho các loại năng lượng địa nhiệt, thủy điện, nhiệt điện biển, điện mặt trời, điện gió.
…. đến ngẫm ta
Điểm qua một số câu chuyện như trên có thể thấy tiết kiệm năng lượng trong sử dụng, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo là mẫu số chung của nhiều nền kinh tế dù ở nấc thang phát triển nào.
Ảnh minh hoạ |
Các giải pháp đưa ra là rõ ràng, khả thi có khả năng áp dụng ngay trong thực tiễn. Đặc biệt việc tiết kiệm năng lượng trong một số trường hợp không chỉ dừng lại khuyến cáo mà còn mang tính pháp lý cao, yêu cầu sự bắt buộc với người sử dụng.
Có thể nhận thấy công cụ kinh tế trong việc tiết kiệm năng lượng được phát huy và sử dụng triệt để, người và doanh nghiệp sử dụng năng lượng cũng có được những quyền lợi nhất định.
Số liệu đưa ra từ một hội thảo về sử dụng hiệu quả năng lượng vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm.
Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng.
Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng cũng khá lớn. Theo Bộ Xây dựng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%.
Những con số trên cho thấy việc sử dụng năng lượng trong ở nước ta còn lãng phí đồng thời dư địa tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực vẫn còn rất tiềm năng.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ cần tiết kiệm được 2% lượng điện năng tiêu thụ đúng như yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện.
Sản lượng điện này tương đương với lượng điện của một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW.
Với một dư địa qua minh chứng bằng các con số cụ thể này cho thấy, sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu của cả nền kinh tế mà còn đến với từng doanh nghiệp, từng hộ dân.
Vấn đề là bên cạnh các chủ trương, chính sách đã có, cần thiết kế được các giải pháp phù hợp, dễ áp dụng trong điều kiện Việt Nam và đi cùng đó là việc nghiên cứu áp dụng cả các giải pháp mà các nước đã làm như trong các ví dụ nêu trên.