Thuế xuất khẩu phân bón nên áp dụng tạm thời, linh hoạt
Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa có công văn số 370 ngày 4/5/2022 gửi Bộ Tài chính về góp ý đối với dự thảo của Bộ Tài chính về việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón.
Áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón NPK, liệu có bị tác dụng ngược?
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.
Hiện nguồn cung NPK trong nước đã dư thừa nên có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón NPK có thể làm giảm tính cạnh tranh với hàng Thái Lan và Trung Quốc |
Trong công văn góp ý kiến trả lời Bộ Tài chính, ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: Nếu áp dụng chính sách này, nhóm những nhà sản xuất phân bón NPK bị thiệt hại nhiều nhất. Và chưa hẳn việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ đem lại kỳ vọng về ổn định nguồn cung, giảm giá phân bón trong nước như kỳ vọng của Nghị định.
Cụ thể hơn, ông Hà phân tích: Đối với nhóm phân bón NPK, hiện nay phân bón NPK nước ta vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, cụ thể năm 2021 xuất khẩu NPK (xuất xứ Việt Nam) đạt gần 362.000 tấn, nhập khẩu 435.525 tấn. NPK thuộc nhóm hàng 31.05 thuế xuất khẩu hiện đang áp dụng là 0%. Hiện có những công ty xuất khẩu phần lớn NPK sản xuất sang thị trường các nước trong khu vực, thí dụ Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ xuất khẩu từ 70.000 đến 80.000 tấn/năm, chiếm tới 80% sản lượng của Công ty, Công ty Phân bón Bình Điền sản xuất và tiêu thụ mỗi năm 600.000 - 700.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào khoảng 100.000 tấn/năm.
Hiện nay, sản phẩm NPK sản xuất trong nước đang dư thừa công suất, việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với ngành sản xuất phân bón NPK.
Thực tế từ phía doanh nghiệp, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền (Bình Điền) chia sẻ thêm: Doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hàng năm khoảng 600 - 700.000 tấn phân bón các loại, trong đó, tổng số phân bón xuất khẩu sang các thị trường như Campuchia, Lào khoảng 100.000 tấn mỗi năm với thuế suất 0%.
Hiện công tác xuất khẩu của Bình Điền đang gặp khó do đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thị trường khác như Thái Lan và Trung Quốc. Quý IV/2021, xuất khẩu của Bình Điền sang Campuchia giảm 60% so với cùng kỳ. Quý I năm 2022 tiếp tục giảm 63% so với cùng kỳ. Nếu áp dụng thuế xuất khẩu 5% thì mỗi tấn phân bón NPK của công ty sẽ tăng giá từ 30-60 đô la Mỹ/tấn tùy theo sản phẩm. Như vậy rất khó để người tiêu dùng Lào và Campuchia chấp nhận, càng khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan và Trung Quốc.
Việc áp thuế xuất khẩu đối 5% đối với mặt hàng NPK sẽ khiến một số đơn vị sản xuất NPK lâm vào khó khăn. Cụ thể là giảm công suất hoạt động, tăng giá thành cho công ty. Do áp lực cạnh tranh cung cao hơn cầu từ các nhà sản xuất NPK trong nước, chính vì thế Bình Điền hàng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 700.000 tấn nhưng mới chỉ đạt khoảng 60-75% công suất thiết kế. Trong đó lượng xuất khẩu chiếm khoảng 10-15% công suất thiết kế. Như vậy, chính việc xuất khẩu đã giúp công ty duy trì hoạt động ở mức trên 50%, làm giảm chi phí cố định, hạn chế tồn kho, thu được ngoại tệ nên tối ưu hóa nguồn vay ngân hàng, hạ giá thành sản phẩm.
Như vậy, căn cứ vào đánh giá tác động của Bộ Tài chính về phương án để xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón (mã hàng 31.02 đến 31.05) là góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, và giảm bớt thủ tục hành chính do việc doanh nghiệp và cơ quan hải quan xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất về thuế xuất khẩu với các doanh nghiệp thì việc áp dụng thuế này chưa đạt được hai mục đích trên mà còn tác động tiêu cực làm tăng giá thành sản phẩm NPK tiêu thụ trong nước.
Kiến nghị thuế xuất khẩu nên áp dụng tạm thời
Ông Phùng Hà nhận định, biến động về nguồn cung, về giá phân bón ở tầm quy mô toàn cầu nên cần phải điều chỉnh linh hoạt, đúng thời điểm. Chính vì thế, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính cân nhắc đề xuất Chính phủ nên áp dụng linh hoạt, tạm thời thuế xuất khẩu phân bón trong những thời điểm nhất định. Ông Hà đưa ra dẫn chứng: năm 2021, Trung Quốc áp thuế xuất khẩu cho 2 loại phân bón là ure và DAP, vào thời gian sử dụng ít từ 1/7 đến 31/10 thuế xuất khẩu 7%, đến mùa cao điểm thuế xuất khẩu lên tới 110%.
Thứ hai, Hiệp hội Phân bón cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đánh giá và đề xuất mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu.
Ông Phùng Hà phân tích thêm, phân bón vô cơ gồm nhiều chủng loại, mỗi loại có đặc điểm riêng về nguyên liệu, về thị trường, về cân đối cung cầu... nên cần có những đánh giá và áp dụng riêng thuế xuất với từng chủng loại.
Cụ thể, đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% không ảnh hưởng đến ure, lân nung chảy vì các loại này thay vì chịu thuế xuất khẩu 5% do tổng giá trị tài nguyên và chi phí năng lượng lớn hơn 51% nay thay bằng thuế xuất khẩu vẫn ở mức 5%.
Việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón NPK sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này do hiện nay trong nước đang dư thừa công suất sản xuất (mới sản xuất được khoảng 30% - 60% công suất thiết kế), giảm sức cạnh tranh do giá sẽ tăng từ 30-60 USD/tấn, phải cạnh tranh với phân bón cùng chủng loại từ Trung Quốc, từ Thái Lan,...tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tế, cần có biện pháp khuyến khích xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Về việc Bộ Tài chính kỳ vọng thống nhất thuế xuất khẩu 5% sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ phân bón, Đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, mục tiêu trên chưa chắc đã thực hiện được, vì thuế xuất khẩu với ure vẫn là nhiều nhất thì không thay đổi, vẫn giữ nguyên 5%. Còn nguồn thu từ thuế xuất khẩu đối với phân bón NPK có thể giảm vì số lượng xuất khẩu có thể giảm khi sức cạnh tranh yếu đi.
Về lâu dài, để ngành phân bón phát triển bền vững và ổn định, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được hoàn thuế giá trị gia tăng, cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. |