Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Hoa Kỳ
Tập trung thảo luận nhiều vấn đề
Sáng 27/11, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2024 đã được tổ chức tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2024 là dịp để thảo luận các vấn đề chính sách và phương hướng mà cả Chính phủ và khu vực tư nhân cần thực hiện để đảm bảo quan hệ thương mại, đầu tư đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như: Nhu cầu ban hành quy định hợp lý, khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số, giải quyết nhu cầu về an ninh năng lượng, duy trì năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất và giảm rủi ro cũng như củng cố khả năng huy động nguồn lực, sản xuất và chuỗi cung ứng.
Đây là lần thứ 7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) tổ chức. Qua 6 kỳ được tổ chức thành công, Hội nghị đã trở thành sự kiện được mong đợi nhất của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tại Hội nghị, doanh nghiệp hai nước đặc biệt ghi nhận cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong thúc đẩy kinh tế thương mại song phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Ảnh HT |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đồng thời khuyến khích hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, hai bên cần đẩy mạnh kết nối, hợp tác trên cơ sở “gác lại quá khứ, bỏ qua bất đồng, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai”, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,". Đặc biệt là các dự án lớn của Việt Nam như: Đường sắt, đường bộ cao tốc, nhà máy điện nguyên tử, vũ trụ, hàng không, hàng hải, hệ thống ngầm, trung tâm trung chuyển quốc tế … nhằm phát triển bền vững và củng cố mối Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh HT |
Nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ
Theo thông tin tại Hội nghị, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Với Hoa Kỳ, Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất, kim ngạch thương mại hai chiều đạt kỷ lục 110,8 tỷ USD vào năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2024 với kim ngạch 10 tháng năm 2024 đạt 110,9 tỷ USD.
Việt Nam cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ, trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển và chuyển đổi kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cũng cập nhật những thành tựu kinh tế Việt Nam trong thời gian quan. Theo đó, bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 35 trong Top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới; Top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Về chỉ số đổi mới sáng tạo, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.
“Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được sự ổn định, tăng trưởng GDP ở mức khá cao, năm 2023 đạt mức 5% và dự kiến năm 2024 đạt mức trên 7%. Trong thành tựu kinh tế nói trên của Việt Nam, có đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Các dự án đầu tư chất lượng cao của doanh nghiệp Hoa Kỳ đã góp phần giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp dược phẩm, ngành viễn thông và cơ sở hạ tầng” – ông Phạm Tấn Công nêu thông tin.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị. Ảnh HT |
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là động lực quan trọng, đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự thịnh vượng chung giữa hai quốc gia.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đánh giá: “Sự hợp tác giữa hai nước và mối quan hệ đối tác của doanh nghiệp hai nước đang sôi động, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và đang mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là điều mà tôi đã chứng kiến trong 3 chuyến thăm Việt Nam với vai trò Ngoại trưởng”.
Chủ tịch AmCham, ông Joseph Uddo cho rằng: Với việc nâng cấp quan hệ vào năm 2023, đây là thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách, thu hút thêm nhà đầu tư mới cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tuc phát triển.
“Việc giải quyết các vấn đề quan trọng được nêu ra tại Hội nghị sẽ cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh thịnh vượng tại Việt Nam” - Chủ tịch AmCham cho biết thêm .
Dù hợp tác thương mại - đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay vẫn còn có nhiều khó khăn. Những căng thẳng thương mại, biến động chính trị, cũng như sự thay đổi trong các chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững, Chủ tịch VCCI đưa ra khuyến nghị đối với chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước:
Thứ nhất, Chính phủ hai nước tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, đặc biệt thúc đẩy và duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi, đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.
Thứ hai, đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, mở rộng mạng lưới đối tác, chia sẻ thông tin và cùng nhau nghiên cứu phát triển các dự án chung, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh.