Thu hút và trọng dụng nhân tài thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng
Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao vai trò địa phương |
Trong một buổi thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội mới đây về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có những chia sẻ liên quan đến một trong những yêu cầu cơ bản và cấp thiết để đưa công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đó là vấn đề chính sách trong thu hút nhân tài.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) có được như ngày hôm nay cũng phải có cơ chế đặc thù cho thu hút nguồn nhân lực.
Ông Phan Văn Giang nói, có những người ở nước ngoài có mức lương tính ra tiền Việt Nam khoảng 300 – 400 triệu đồng nhưng người ta vẫn muốn về Việt Nam mà về thì lương người ta cũng phải khoảng 150 triệu đồng một tháng.
“Càng đi xa càng muốn về. Mà về Viettel nếu được kết nạp Đảng, được phát triển thành sĩ quan, trở thành những người chỉ huy là nguyện vọng của đại đa số các nhà khoa học”, ông Phan Văn Giang chia sẻ.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói, rất nhiều người muốn như vậy và những người đã từng làm cho cả Boeing, Airbus, Lockheed Martin lương rất cao, cuộc sống rất đầy đủ, nhưng người ta vẫn muốn về. “Đây là vấn đề chính sách”, ông Phan Văn Giang nói.
Ngay từ rất sớm, tiếp nối truyền thống trọng dụng nhân tài của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận rõ vai trò của nhân tài- “nguyên khí của quốc gia” đối với sự phát triển của đất nước.
Đi đôi với việc phát hiện nhân tài, một vấn đề rất quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý ở các cấp luôn phải biết thu hút và trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài.
Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh, trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một mẫu mực trong phát hiện, sử dụng người tài, đặt họ ở đúng vị trí để phát huy trí tuệ và cống hiến cao nhất cho sự nghiệp cách mạng, cho phát triển đất nước.
Ảnh minh hoạ |
Thời gian qua, công nghiệp quốc phòng đã đạt được những kết quả quan trọng, sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, góp phần tự chủ, bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng quân đội.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, khó lường đặt ra những yêu cầu cấp thiết về công nghiệp quốc phòng của các quốc gia, trong đó có nước ta. Trong nước, kinh tế tiếp tục duy trì ổn định, phát triển song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; phát triển công nghiệp quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đặt ra nhiều yêu cầu mới ngày càng cao.
Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XIII) xác định: “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trong đó phát huy nội lực là yếu tố quyết định; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”. Để đạt mục tiêu này, nhân tố hàng đầu, yêu cầu cơ bản và cũng rất cấp thiết là phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh. Đến Đại hội XIII, yếu tố này lại được Đảng ta thêm một lần nữa nhấn mạnh và điểm mới là coi đây như một khâu đột phá.
Để có được nhân tài, điểm quan trọng là có được chính sách thu hút “đủ mạnh” để tập hợp được những nhân lực có trình độ, có thực tiễn, đặc biệt là những nhân lực có điều kiện tiếp cận với quy trình công nghệ cao và từ đó giúp nền công nghiệp đất nước tăng được khả năng đi tắt đón đầu. Nhưng đó mới là một mặt của vấn đề.
Thu hút được, tập hợp được nhân lực chất lượng cao đã khó, việc tạo dựng được chính sách để các nhân lực có trình độ cao yên tâm và sẵn sàng gắn bó lâu dài, đồng hành lâu dài trong phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng còn khó hơn, bởi thị trường nhân lực toàn cầu trong bối cảnh hiện nay luôn là thị trường có tính cạnh tranh rất cao, rất khốc liệt. Bởi vậy, với một lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp quốc phòng rất cần có những chính sách đặc thù, nhất là vấn đề trọng dụng nhân lực chất lượng cao.
Những chính sách đó ở đây cần kết hợp chặt chẽ giữa nghĩa vụ với quyền lợi, lý tưởng với thụ hưởng; kết hợp giáo dục rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức với thực hiện chính sách đãi ngộ thỏa đáng, công bằng, tạo dựng môi trường lành mạnh để nhân tài sẵn sàng cống hiến và cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới, đồng thời có được những đóng góp xứng đáng vào nền công nghiệp quốc gia.