Thị trường văn phòng Co-working: Tiềm năng lớn
|
Phát triển mạnh mẽ
Văn phòng dịch vụ không phải một khái niệm mới. Mô hình này phát triển từ các trung tâm thương vụ tại khách sạn để thay thế cho hình thức thuê mặt bằng văn phòng truyền thống.
Các công ty thường thuê mặt bằng theo số lượng bàn làm việc, thời gian thuê theo tuần hoặc tháng với các dịch vụ phụ thêm luôn sẵn có khi yêu cầu. Một số hoạt động theo mô hình mạng lưới, trong đó khách hàng sẽ trả phí thường niên để sử dụng bất kỳ trung tâm nào trong hệ thống trên toàn cầu. Số khác hoạt động theo mô hình thành viên, trong đó khách hàng không chỉ được sử dụng mặt bằng văn phòng mà còn được ưu tiên khi tham gia các sự kiện và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các bên thứ ba.
Văn phòng dịch vụ khá tốn kém. Sự linh hoạt của mô hình này đòi hỏi mức giá cao hơn. Mức độ sử dụng điện, nước, internet thường cao hơn gấp 2 - 3 lần, cộng với các dịch vụ phụ thêm như cà phê, khách sạn... Một số đơn vị vận hành văn phòng dịch vụ tính chi phí theo diện tích gấp 10 lần so với cho thuê mặt bằng văn phòng truyền thống.
Thực tế cũng cho thấy một số doanh nhân đang đi công tác hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với nhu cầu thuê văn phòng nhỏ trong thời gian ngắn có thể sẵn sàng trả mức giá đó cho sự linh hoạt về diện tích và thời gian thuê.
Mô hình co-working từ đó được phát triển, đưa ra một mức chi phí thấp hơn và môi trường văn phòng mở hơn, thân thiện hơn cho đa dạng các doanh nghiệp mới khởi nghiệp và người làm việc độc lập. Các tiện ích được cắt giảm, chỉ còn lại những tiện ích cơ bản như bàn làm việc, internet, dịch vụ IT và có thể là một số tiện ích ăn uống nhẹ.
Theo một báo cáo gần đây của CRBE Việt Nam, thị phần Co-working đang tăng trưởng mạnh ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh kể từ lần đầu được giới thiệu vào năm 2012 mà tiêu biểu là Toong, UP (Hà Nội), DreamPlex, Work Saigon, Start Saigon (TP. Hồ Chí Minh).
Mô hình Co-working trên thế giới tăng trưởng 53%/năm trong 5 năm qua, ở Việt Nam con số này là 58%. Nhu cầu sở hữu một Co-working đang là xu hướng và dự báo còn tăng cao trong tương lai.
Tương lai của thị trường Co-working
Mô hình văn phòng Co-working dành cho các dự án khởi nghiệp đang nở rộ trên thế giới và sẽ là xu hướng của tương lai nhờ vào sự phát triển của công nghệ mang lại sự tự do sáng tạo cho mọi cá nhân.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, Co-working là giải pháp tiết kiệm chi phí hơn so với thuê văn phòng truyền thống, bởi diện tích cho thuê thường lớn hơn nhiều so với nhu cầu về mặt bằng của các công ty này. Đối với người lao động tự do, khác với làm việc tại văn phòng truyền thống hay làm việc tại nhà, mô hình Co-working cho phép họ quyền lựa chọn làm việc độc lập trong không gian riêng hoặc trò chuyện, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với những người đồng quan điểm. Nhiều người tin rằng môi trường như vậy tạo điều kiện để bản thân người lao động phát triển và làm việc hiệu quả hơn, vì vậy mà mô hình Co-working đang ngày càng được ưa chuộng.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số (97%) trong những doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam và sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động. 72.953 doanh nghiệp đã được thành lập trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sáng tạo và linh hoạt là hai giá trị đang ngày càng được đánh giá cao và theo đuổi. Và một cách tự nhiên, phân khúc Co-working đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của một thế hệ doanh nghiệp mới.
Co-working chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển tuân theo các chu kỳ kinh tế và biến đổi để phù hợp với những thay đổi trong cách làm việc của thế hệ lao động mới. Tại các thị trường phát triển, mô hình này vẫn đang bùng nổ và dần được tích hợp vào các loại hình bất động sản khác như mặt bằng bán lẻ và khách sạn thành thị do loại hình văn phòng chia sẻ này đem đến không khí sôi động nhất định. Mô hình Co-working tại Việt Nam vì vậy còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng văn phòng của thế hệ các doanh nghiệp trẻ đang ngày càng lớn mạnh.