Thị trường quần áo khởi sắc mùa mua sắm Tết
Người bán tích cực chuẩn bị hàng Tết
Tâm lý mua sắm thoải mái hơn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội vì dịch bệnh là một trong những lý do khiến nhiều người kinh doanh thời trang kỳ vọng vào mùa mua sắm Tết. Chưa kể, cuối năm là thời điểm "vàng" với hầu hết doanh nghiệp, khi người dân luôn có nhu cầu nới rộng chi tiêu mua sắm sau một năm làm việc và tích lũy.
Quần áo là một trong những mặt hàng được mua sắm nhiều nhất trước mỗi dịp Tết, bên cạnh thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống... Với tâm lý Tết phải đẹp, hầu hết mọi người đều có xu hướng sắm quần áo mới cho mình và người thân. Thậm chí, không ít người sẵn sàng chi mạnh cho các mặt hàng cao cấp với suy nghĩ "cả năm chỉ có một ngày Tết".
Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng, các cửa hàng kinh doanh thời trang đã liên tục cập nhật, bổ sung nguồn hàng mới, nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Chị Hà Anh Tú - cửa hàng quần áo tại đường Cầu Giấy cho biết: “Một tuần nay, lượng khách đến mua đồ mùa đông tăng gấp đôi so với thời điểm này năm trước. Vì lấy hàng tuyển, số lượng lớn từ 200 - 300 sản phẩm nên hàng về đến đâu được khách lựa đến đó”.
Cách đó không xa, cửa hàng thời trang Mẹ và bé cũng nhộn nhịp người vào ra. Anh Minh Phúc - quản lý cửa hàng cho biết: “Trời trở lạnh, nhu cầu tìm quần áo mùa đông nói riêng và mặt hàng thời trang nói chung tại hệ thống tăng liên tục. Trung bình một ngày cửa hàng bán ra từ 500 - 1.000 sản phẩm, riêng sản phẩm áo phao, áo gió bán từ 100 - 300 sản phẩm”.
“Khách hàng chủ yếu chọn mua áo phao, áo gió, đồ bộ, áo len. Năm nay, nhãn hàng đã chú trọng đổi mới chất liệu, tăng trải nghiệm của khách hàng với những dòng sản phẩm 5K (không xù, không co, không nhăn, không tĩnh điện, không giới hạn về kiểu dáng, độ tuổi hay mục đích sử dụng) và 3S (siêu nhẹ - siêu gọn – siêu ấm). Sự thay đổi này đã được khách hàng đón nhận, tin dùng", anh Phúc thông tin.
Theo nhiều chủ cửa hàng, năm nay, Tết Dương lịch cận kề Tết Nguyên đán nên nhiều người dân có tâm lý mua sắm sớm. Khách hàng chủ động tìm mua các sản phẩm sản xuất trong nước. Các thương hàng nội địa như Canifa, Elise, KB, Ivy moda, yody... ngày càng khẳng định về chất lượng, mẫu mã độc đáo, thiết kế bắt mắt.
Mua sắm online vẫn là xu thế
Với sự phát triển của Internet và ảnh hưởng của dịch Covi-19, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến. Một trong những ưu điểm của hình thức mua sắm này là giúp người dùng tiết kiệm thời gian, mua sắm an toàn và có thể tận dụng nhiều ưu đãi từ các thương hiệu cũng như đối tác.
Theo Statista, thời trang là phân khúc thị trường thương mại điện tử B2C lớn nhất với quy mô toàn cầu năm 2021 là 759,5 tỷ USD. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 7,18% của thời trang trực tuyến sẽ đưa ngành này lên mức quy mô hơn 1.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nhu cầu mua sắm thời trang trực tuyến cũng tăng trưởng nhanh. Quý IV/2020, ngành hàng thời trang trở thành tâm điểm của thương mại điện tử khi có mức tăng mạnh về lượng truy cập website lên đến 33%, theo báo cáo của Báo cáo của iPrice Group và SimilarWeb. Một trong những nguyên nhân tạo nên cú hích này là do nhu cầu mặc đẹp có xu hướng đi lên vào dịp lễ hội cuối năm, và là thời điểm chuẩn bị cho năm mới, nhóm nghiên cứu của iPrice nhận định.
Trong khi đó, không khí mua sắm tại các shop online cũng sôi động, nhộn nhịp không kém. Chị Thùy Dung - chủ kinh doanh thời trang online chia sẻ: “Trong mấy ngày mưa rét, nhiều khách hàng đã nhắn tin hỏi mua đồ có khả năng chống rét cao như áo giữ nhiệt và áo phao, áo dạ. Giá các sản phẩm thời điểm này ổn định nên khách hàng cũng dễ mua hơn”.
Sau nhiều năm giãn cách đã hình thành thói quen mua sắm online của người tiêu dùng. Chị Lan Anh (37 tuổi, nội trợ) cho biết: “Mình thấy mua sắm quần áo hay những vật dụng khác trong gia đình trên các ứng dụng như Shopee hay Lazada đều rất ổn. Mình hay tìm những shop uy tín có nhiều người mua và nhiều lượt đánh giá, nhờ đó mà đồ khi nhận giống với hình và khiến mình rất hài lòng.”
Tuy nhiên, chị Lan Anh cũng khuyên người tiêu dùng cảnh giác, Tỉnh táo trước “bẫy tâm lý” khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử bởi đa phần quyết định mua hàng của người tiêu dùng đều là bộc phát, nghĩa là họ không xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi mua và không nhận thức điều gì đã thúc đẩy họ mua sản phẩm đó. Tận dụng nhược điểm này, các nhà tiếp thị có hàng tá chiến thuật đánh vào tâm lý khách hàng để thúc đẩy họ mua sắm.
Bên cạnh đó, khi mua hàng trực tuyến người tiêu dùng không được trực tiếp nhìn thấy và thử sản phẩm. Vì vậy họ sẽ tin vào trải nghiệm của những người mua hàng trước đó.
Nhằm tăng kích cầu mua sắm, nhiều cửa hàng quần áo thời trang cũng như các mặt hàng khác phục vụ mùa đông đã áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại từ 10% - 30%, “mua 2 tặng 1”, đại tiệc tri ân, giờ vàng.
Qua khảo sát, hầu hết các cửa hàng lớn nhỏ đều đã nhộn nhịp mọi người đến tham quan, mua sắm. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường thời trang đông đang khởi sắc trong những tháng cuối năm.