Thị trường nông sản “lình xình”, giá lúa mì vẫn tăng mạnh: Vì sao?
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch 6/9, trên thị trường nông sản, giá lúa mì dẫn dắt xu hướng với mức phục hồi hơn 1,5%, thoát khỏi vùng tâm lý 275 USD/tấn. MXV cho biết, lo ngại về tình hình nguồn cung tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá trong ngày hôm qua.
Ảnh minh họa |
Theo Cục Khí tượng Australia, tình trạng thiếu mưa và độ ẩm đất dưới mức trung bình đã mở rộng trên khắp đất nước này, đe dọa triển vọng mùa vụ của nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ 2 toàn cầu. Lượng mưa Australia nhận được trong tháng 8 thấp hơn 49,5% so với mức trung bình trong giai đoạn 1961-1990. Đây cũng là tháng 8 khô hạn thứ 10 kể từ năm 1900. Trước đó, Australia cũng đã trải qua mùa đông nóng nhất trong lịch sử. Dự kiến khí hậu ở Australia sẽ khô hơn do hiện tượng thời tiết El Nino tăng cường.
Trong khi đó, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 chỉ biến động nhẹ so với mức tham chiếu. Tâm lý giằng co vẫn duy trì đối với thị trường khi giá nhìn chung chỉ đi ngang với biên độ hẹp. MXV cho biết, những thông tin cơ bản trái chiều là yếu tố lý giải cho diễn biến giá trong ngày hôm qua
Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 3/9, khoảng 53% diện tích ngô Mỹ đang được đánh giá đạt chất lượng tốt và tuyệt vời, giảm 3% so với tuần trước đó. Con số này thấp hơn 1% so với kỳ vọng của thị trường và mức 54% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù không phải là thông tin quá bất ngờ, tuy nhiên, điều này cũng tiếp tục tạo ra lo ngại đối với thị trường khi tiếp tục có bằng chứng cho thấy cây trồng chịu tác động bởi đợt khô hạn cuối tháng 8 vừa qua.
Mặt khác, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo, nước này sẽ xuất khẩu mức kỷ lục 9,67 triệu tấn ngô trong tháng 9, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu dự báo của ANEC được xác nhận, đây sẽ mức xuất khẩu ngô hàng tháng kỷ lục của Brazil, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 9,26 triệu tấn được ghi nhận trong tháng 08 vừa rồi.
ANEC cho biết, hoạt động xuất khẩu ngô của Brazil thường được đẩy mạnh trong nửa cuối năm, khi các lô hàng đậu tương xuất khẩu bắt đầu giảm. Trong năm nay, nhu cầu đối với ngô Brazil càng tăng cao, sau khi nước này đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Trung Quốc trong năm ngoái. Nguồn cung đẩy mạnh từ Brazil đã xoa dịu lo ngại trước đó từ tình hình vụ mùa tại Mỹ.