Thị trường nông sản Việt Nam: Cần tổ chức lại đội ngũ thương lái trong chuỗi cung ứng
Nông sản trồng theo quy hoạch với chất lượng đảm bảo sẽ không lo đầu ra |
Nan giải khâu tiêu thụ
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, niên vụ năm 2016, sản lượng chuối già hương cấy mô của tỉnh này đạt 6.000 tấn, chủ yếu bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc với giá 13.000 - 17.000 đồng/kg.
Niên vụ năm nay, con số này tăng mạnh đạt gần 12.000 tấn trên tổng diện tích khoảng 700 ha nhưng giá chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg song lại không có người mua khiến nông dân trồng chuối cấy mô đang “đứng ngồi không yên”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai - Hoàng Thị Bích Hằng, nguyên nhân khiến cho một lượng chuối ở Đồng Nai bị dồn ứ, thậm chí phải vứt bỏ là do diện tích trồng tăng nhanh một cách ồ ạt và thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Trong khi đó, đầu ra cho chuối chế biến cũng không nhiều.
Nhận định về thực trạng này, ông Đoàn Xuân Trường - Phó Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - chia sẻ, hoạt động trồng tỉa tại địa phương này chủ yếu là tự phát nên có tính rủi ro cao. “Trảng Bom hiện có 200ha trồng chuối già hương với sản lượng hơn 4.000 tấn, vừa rồi mới chỉ bán được gần 400 tấn, số còn lại chưa biết tiêu thụ ở đâu” - ông Trường cho hay. Trước tình cảnh chuối ế, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng đã vào cuộc tổ chức nhiều chương trình “Chuối nghĩa tình” nhằm hỗ trợ nông dân giảm thiệt hai. Tính đến cuối tháng 2, các chương trình trên mới chỉ giúp tiêu thụ được 500 tấn. Một lượng lớn chuối còn lại đang chật vật tìm đầu ra.
Tìm giải pháp dài hơi
Theo một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, trước mắt các doanh nghiệp nên đưa chuối vào khẩu phần ăn của suất cơm văn phòng và suất ăn công nghiệp để góp phần gia tăng đầu ra trên thị trường nội địa.
Là người khởi xướng chương trình “Chuối nghĩa tình”, ông Đỗ Long - Tổng giám đốc Công ty Bitas, kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp - cho rằng, việc “giải cứu” của cộng đồng vừa qua chỉ mang tính tức thời, về lâu dài phải có giải pháp khác bài bản hơn. Theo ông Long, để giải quyết bài toán tắc đầu ra cho nông sản, cần đẩy mạnh việc hợp tác bốn nhà: nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và nhà nông. Từ đó có chiến lược về quy hoạch trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu theo hướng công nghiệp. “Tại sao chúng ta có “chuối nghĩa tình” mà không thực hiện “chuối khởi nghiệp”? Việc này không khó, cái quan trọng là phải xây dựng được một lộ trình để những người nông dân, trí thức trẻ tính chuyện thay đổi cách trồng tỉa truyền thống hiện nay dưới sự hướng dẫn của các tổ chức chuyên môn và các nhà khoa học” - đại diện Bitas đặt vấn đề.
Một doanh nhân trong ngành dược phẩm ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, sau khi có thông tin chuối Đồng Nai gặp khó, đã có doanh nghiệp “đặt hàng” với ông để cung cấp tinh bột chuối làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm và xuất khẩu. Hướng đi mới này có rất nhiều tiềm năng vì nhu cầu trong nước và thế giới rất lớn - vị doanh nhân nhận định.
Chia sẻ với phóng viên báo KTVN bên lề hội thảo “Quản trị cung ứng ngành nông nghiệp và cung ứng lạnh - mát 2017” vừa diễn ra cuối tháng 2, ông Julien Brun - chuyên gia tư vấn quốc tế về logistics kiêm Tổng giám đốc CEL Consulting - cho hay, câu chuyện chuối ở Đồng Nai liên quan chặt chẽ đến yếu tố thông tin thị trường. “Hiện nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường trong khi các doanh nghiệp ít tương tác trực tiếp với nông dân dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bởi vậy, cần tập trung hóa sản xuất theo mô hình hợp tác xã hoặc cánh đồng lớn. Trong đó, hợp tác xã sẽ quản lý và điều phối hoạt động sản xuất của nông dân đồng thời bảo đảm chất lượng đầu vào, đầu ra của nông sản. Về phía mình, doanh nghiệp sẽ định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, đầu tư khoa học công nghệ và tạo dựng thương hiệu” - vị chuyên gia khuyến nghị.
Về vai trò của thương lái trong chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam, ông Julien Brun cho rằng, trong tương lai, cần xác lập lại vị trí của nhóm này chỉ nên trở thành đội ngũ cung cấp dịch vụ logistics tại địa phương nhờ lợi thế sẵn có về phương tiện và sự am tường đường vận chuyển thay vì là người thu gom hàng hóa như hiện nay.