Thị trường nào dẫn đầu nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam?
Kim ngạch nhập khẩu cà phê của Singapore giảm 5,57% trong năm 2023 Việt Nam là đối tác xuất khẩu cà phê thứ 9 tại thị trường Singapore Đức là quốc gia nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam |
Cà phê rang xay và hòa tan chiếm 14,4% tổng các loại cà phê xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 75.500 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 351,72 triệu USD, khối lượng giảm khoảng 46,7% và kim ngạch giảm khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về thị trường xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam trong tháng 6 năm 2024, thị trường Đức dẫn đầu với khối lượng 7.176 tấn, Italy thứ 2 với 5.571 tấn, Nhật Bản thứ 3 với 4.886 tấn, Thái Lan thứ 4 với 3.599 tấn, Nga thứ 5 với 3.554 tấn, Malaysia thứ 6 với 3.339 tấn, Phillippines thứ 7 với 2.978 tấn, Tây Ban Nha thứ 85 với 2.872 tấn, Trung Quốc thứ 9 với 2.804 tấn và Hoa Kỳ thứ 10 với 2.443 tấn.
Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất cà phê nhân của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 với khối lượng 7.176 tấn |
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 903.000 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng gần 3,26 tỷ USD, giảm 10,5% về khối lượng nhưng kim ngạch tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với từng loại cà phê xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với gần 768.800 tấn, kim ngạch khoảng trên 2,53 tỷ USD, còn cà phê nhân Arabica xuất khẩu 38.081 tấn, kim ngạch khoảng trên 153,63 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein xuất khẩu 18.252 tấn, kim ngạch trên 76,29 triệu USD.
Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 74.746 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch trên 490 triệu USD (khối lượng cà phê rang xay và hòa tan chiếm khoảng 8,3% và kim ngạch chiếm khoảng 15,0% tổng các loại cà phê xuất khẩu).
Về nhập khẩu cà phê của Việt Nam, trong tháng 6 năm 2024, Việt Nam nhập khẩu khoảng 62.234 tấn với kim ngạch trên 230,42 triệu USD, trong đó nhập khẩu cà phê nhân sống trên 55.000 tấn, kim ngạch gần 185,48 triệu USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống là: Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Intimex Mỹ Phước, Olam Việt Nam, NKG Việt Nam, Sucafina Việt Nam và Phúc Sinh.
Trong tổng số các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống thì các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 35,0% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống và chiếm khoảng 34,5% về giá trị kim ngạch; trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội chiếm thị phần khoảng 22,8% về khối lượng và khoảng 23,0% kim ngạch.
Xét về xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong 6 tháng đầu năm 2024 thì 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu về kim ngạch có thể kể đến là: Outspan Việt Nam, Nestlé Việt Nam, Cà phê Ngon, Tập đoàn Trung Nguyên, Iguacu Việt Nam, URC Việt Nam, Tata Việt Nam, Sucafina Việt Nam, ILD Coffee Việt Nam và Lựa chọn Đỉnh. Các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng chiếm khoảng 77,2% về kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan tan trong 6 tháng đầu năm 2024, còn các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội chiếm thị phần khoảng 75,6% về kim ngạch.
Giá cà phê quý 3 sẽ tiếp tục tăng cao
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích cà phê của Việt Nam là 709.041 ha, năng suất đạt 29,8 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 1.953.990 tấn cà phê nhân.
Các vùng trồng cà phê lớn đều diễn ra hạn hán và sâu bệnh khiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, làm giảm mạnh nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới.
Hãng tư vấn Hedgepoint đưa ra 3 kịch bản dự báo sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024 - 2025. Trong đó, kịch bản tiêu cực nhất, sản lượng cà phê chỉ còn 27 triệu bao. Với kịch bản tích cực nhất, sản lượng được dự báo cũng chỉ đạt tối đa 28,7 triệu bao. Cơ quan này cho biết, dù lịch bản nào xảy ra, tồn kho cà phê tại Việt Nam vẫn khan hiếm, dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và giá dao động ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước.
Theo chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Nam Hải, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến khô hạn xảy ra không chỉ ở Tây Nguyên mà còn khắp toàn cầu, vì vậy, tổng nguồn cung cà phê trên thế giới giảm mạnh đã đẩy giá cà phê tăng cao kỷ lục từ trước tới nay.
Tại Việt Nam trong những năm vừa qua, giá cà phê rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, do đó sự đầu tư của nông dân cho cây trồng này cũng thấp, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích cây cà phê sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh dây… Đây là yếu tố làm giảm mạnh sản lượng cà phê thu hoạch. Ngoài ra, hiện một số diện tích trồng cà phê đã già cỗi mà chưa kịp tái canh nên ảnh hưởng lớn đến sản lượng.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, thời gian qua, giá cà phê có thời điểm ở mức hơn 120.000 đồng/kg, cao gấp ba lần trước đây khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải huy động lượng vốn rất lớn. Doanh nghiệp vay vốn, chịu lãi suất để mua hàng nhưng vẫn không gom đủ do niên vụ vừa qua cà phê đã được người dân bán hết. Hiện vụ cà phê mới phải đến tháng 10, tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch. Do vậy, ngồn hàng để doanh nghiệp thu mua xuất khẩu rất hạn chế.
Tại các vùng trồng cà phê Việt Nam đã chứng kiến giá cà phê tăng "phi mã", từ mốc 40 nghìn đồng/kg vào đầu năm 2023, đã vọt lên 120.00 đồng vào tháng 5/2024. Trong tháng 6/2024, giá cà phê trong nước chững lại, duy trì ở mức 117.000 - 119.000 đồng/kg. Bước sang những ngày đầu tháng 7/2024, giá cà phê trong nước đã tiếp tục tăng lên mức 121.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Nam Hải nhận định: “Nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt, trong khi các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê quý 3 dự báo sẽ tiếp tục tăng cao”.