Thị trường M&A: Cơ hội cho những nhà đầu tư sẵn tiền
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Pháp | |
Đầu tư trái phiếu: Nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro “gắp than hồng” |
Giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam – một chuyên gia trong lĩnh vực M&A, quy mô thị trường M&A đang có sự chững lại về số lượng, quy mô thương vụ. Cụ thể, năm 2021 thị trường M&A với 700 thương vụ thì 10 tháng năm 2022 chỉ đạt khoảng 350 thương vụ.
Giá trị trung bình của các thương vụ cũng giảm mạnh, từ 31 triệu USD/ 1 thương vụ xuống còn 15 triệu USD/ 1 thương vụ. Ngoài ra, nếu năm 2021, xuất hiện hàng loạt thương vụ trị giá hàng tỷ USD, thì đến năm 2022, thương vụ đạt giá trị cao nhất cũng không qúa 500 triệu USD.
Trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021 |
Tại Việt Nam, theo thông tin dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD). Tương tự năm 2021, 10 tháng năm 2022, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD.
Thừa nhận thị trường M&A thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có sự trầm lắng hơn so với năm 2021 và những năm trước đó, nguyên nhân là bởi những diễn biến của kinh tế toàn cầu. Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Công Ái cho rằng, trong bối cảnh tài chính – kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, việc vay tiền cho các hoạt động M&A không hề dễ dàng như trước. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đi từ một nền kinh tế phát triển sang nền kinh tế suy thoái. Trong đó kinh tế Mỹ, hai quý trước tăng trưởng âm, quý này tăng trưởng dương, nhưng dương không bền vững, không nói trước được quý tiếp theo sẽ như thế nào. Những bất ổn của kinh tế toàn cầu cộng với những diễn biến của thị trường năng lượng, xung đột Nga-Ukraine đã tác động đến thị trường M&A thế giới, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cơ hội cho nhà đầu tư sẵn tiền
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, các chuyên gia cho rằng thị trường M&A vẫn có những hội. Cụ thể, dưới góc nhìn quỹ đầu tư, Chủ tịch D.lion Group Trần Ngọc Đức, xu thế M&A đang mở rộng hơn, không chỉ ở trong lĩnh vực truyền thống mà lan sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác mới, trong có công nghệ thông tin hay game blockchain.
Một lượng vốn lên đến hàng chục triệu USD từ các quỹ ngoại đang chờ đợi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam. Động lực của xu hướng này chính là mục tiêu hợp nhất các hoạt động. Những công ty lớn sẽ mua lại những công ty cung cấp dịch vụ bổ sung có quy mô nhỏ hơn, giúp họ hoàn thiện một hệ thống dịch vụ thống nhất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Ái, kinh tế toàn cầu khó khăn không đồng nghĩa với việc tất cả các nền kinh tế thành phần cũng gặp khó khăn. Mỹ và Châu Âu rơi vào suy thoái, nhưng ngoài ra vẫn có điểm sáng, ví dụ như các nước vùng vịnh bây giờ đang tận hưởng thu nhập cao từ giá dầu, họ đang có rất nhiều tiền và sẵn sàng đầu tư khi nhìn thấy cơ hội tốt. Đặc biệt, trong khi các nhà đầu tư khó huy động được nguồn vốn, thì những nhà đầu tư nhiều tiền, sẵn tiền sẽ cơ cơ hội tìm được những dự án tốt với mức giá phù hợp.
Ở Việt Nam, nền kinh tế cũng đang có nhiều biến động, đối mặt những rủi ro, thách thức. Thị trường chứng khoán đang sóng gió với các vấn đề pháp lý, khiến các nhà đầu tư ngần ngại xuống tiền nên thị trường M&A sẽ có những khoảng trầm lắng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những khoảng lặng đó, thị trường M&A vẫn “lấp loé” những tia sáng. Bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 được nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế trong nước và thế giới dự báo lạc quan, với mức tăng trưởng từ 7,5-8%, và năm 2023, dù có được dự báo giảm đi, nhưng vẫn giữ ở mức 6,5%.
Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh luôn được cải thiện, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ hội tốt tại thị trường M&A Việt Nam. Theo đó, những lĩnh vực tạo sức hấp dẫn với các thương vụ M&A được ông Nguyễn Công Ái nhắc đến là: Dịch vụ tài chính – ngân hàng, lĩnh vực này hiện đang có nhiều thương vụ đàm phán trong năm nay là dự kiến sẽ đi đến chốt vào năm 2023. Ngoài ra các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ cũng trở nên hấp dẫn các thương vụ M&A trong thời gian tới.
Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư theo hình thức M&A trong 10 tháng năm 2022 gồm: Tiêu dùng 1,2 tỷ USD; bất động sản gần 1 tỷ USD; công nghiệp 800 triệu USD; năng lượng đạt gần 600 triệu USD… |