Thị trường chứng khoán tích lũy, cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Đây là nhận định của chuyên gia chứng khoán Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VnDirect.
- Theo ông, thị trường chứng khoán trong tuần qua có những diễn biến, thông tin nào nổi bật?
Ông Đinh Quang Hinh: VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co. Thị trường phiên đầu tuần giảm nhẹ hơn 5 điểm với khối ngoại bán ròng 845 tỷ đồng phiên thứ 8 liên tiếp. Trong phiên, nhóm thép chứng kiến đà tăng ấn tượng: HSG tăng 6,9%, NKG tăng 4,3% và HPG tăng 1,2% khi nhà đầu tư đón nhận thông tin Việt Nam bắt đầu điều tra bán phá giá tôn mạ thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VnDirect. Ảnh: VND |
VN-Index phục hồi hơn 4 điểm trong phiên 18/6 với: POW tăng 7% và tăng 42% kể từ tháng 4 nhờ nhu cầu điện tăng cao và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Lực cầu cũng tập trung vào nhóm cao su với GVR tăng 1,8%, PHR tăng 2,5% do nhóm ngành này được hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao su tăng cao.
Thị trường diễn biến giằng co trong phiên 19/6 khi đóng cửa tăng chưa đầy 1 điểm với HVN tăng 7% khi nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động kinh doanh của HVN sẽ tiếp tục phục hồi song song với đà phục hồi của nhóm ngành hàng không.
Chỉ số VN-Index tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng 1.280 điểm trong phiên 20/6 với VPB tăng 3,7% khi nhà đầu tư kỳ vọng VPB được hưởng lợi từ đà phục hồi của khu vực bán lẻ, và TCB tăng 2,7% sau khi tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1.
Thị trường diễn biến giằng co trong phiên cuối tuần khi giảm 0,3 điểm về cuối phiên với FPT tăng 2,1% mặc dù chứng kiến khối ngoại chốt lời đáng kể tuần vừa qua. Kết tuần, VN-Index tăng 0,2% lên 1.282.0 điểm, HNX-Index tăng 0,2% lên 244,4 điểm và UPCOM tăng 2,6% lên 100.6 điểm.
Tuần này, BID giảm 4,0%; VCB giảm 1,7% và VRE giảm 6,8% gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, HVN tăng 14,9%; VPB tăng 4,8% và FPT tăng 3,9% là các nhân tố chính hỗ trợ lên thị trường.
- Ông dự báo cũng như có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch tiếp theo?
Ông Đinh Quang Hinh: Thị trường diễn biến giằng co trong tuần qua khi nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trước phiên đáo hạn phái sinh và động thái cơ cấu của các quỹ ETF.
Bước sang tuần giao dịch tới, sự chú ý của thị trường sẽ chuyển hướng sang những số liệu vĩ mô quan trọng sắp được công bố, bao gồm: Thứ nhất, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Thứ hai, số liệu tăng trưởng GDP quý 2 và số liệu CPI tháng 6 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, câu chuyện kết quả kinh doanh quý II cũng sẽ dần được nhắc đến khi một số doanh nghiệp bắt đầu công bố số liệu ước tính. Nhìn chung, bức tranh kinh doanh quý II vẫn sẽ tích cực và là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường.
Chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index tiếp tục tích lũy quanh vùng 1.280 điểm trước khi hội tụ đủ xung lực để chinh phục lại ngưỡng kháng cự 1.300 điểm vào đầu quý III tới.
Nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn thị trường tích lũy trong biên độ hẹp này để cơ cấu lại danh mục đầu tư, ưu tiên tỷ trọng vào các nhóm ngành có triển vọng kết quả tích cực và chưa tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua như ngân hàng, công nghiệp và xuất khẩu.
- Xin cảm ơn ông!
Vì sao thị trường chưa thể bứt phá? Theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán CSI, tuần qua, VN-Index đóng cửa tăng điểm rất nhẹ nhưng số ngành xanh điểm hoàn toàn chiếm áp đảo với 17/21 nhóm ngành tăng, chủ yếu tập trung ở các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như: Công nghệ viễn thông tăng 7,15%, hóa chất tăng 6,40%, hàng không tăng 5,52%, cảng biển tăng 5,29%... Trong khi đó, những nhóm vốn hóa lớn và nhạy với thị trường thì đóng cửa trong sắc đỏ như: Ngân hàng giảm 0,98%, bất động sản dân cư giảm 1,62%, chứng khoán giảm 2,33%… đã kéo thị trường chung không thể bứt phá. Xu hướng trong tuần qua chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp kể cả biên độ biến động và khối lượng, hình thành nên nến thế hiện sự phân vân lưỡng lự của giới đầu tư. Xu hướng này khả năng còn kéo dài trong các phiên của tuần tới để tích lũy thêm trước khi có sự bứt phá hình thành xu hướng tăng, giảm rõ ràng hơn. Ở thời điểm hiện tại, các vị thế mua thăm dò trước đó vẫn đang có lợi nhuận, nên chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm nắm giữ, thậm chí ưu tiên nhịp rung lắc của thị trường khi VN-Index về vùng hỗ trợ (1.264 – 1.270) thì gia tăng thêm tỷ trọng các mã cổ phiếu đang có lợi nhuận trong danh mục. |