Thị trường cà phê đang đối mặt với thời điểm quan trọng?
Trong khi giá cà phê thế giới đang tăng mạnh do nhiều yếu tố như lạm phát giảm ở Mỹ, đồng Real Brazil mạnh lên và tồn kho giảm, thị trường cà phê trong nước lại cho thấy sự ổn định tương đối. Sự chênh lệch này tạo ra một bức tranh khá phức tạp và đầy thách thức cho ngành cà phê Việt Nam.
Hiện tại, thị trường nội địa trầm lắng vì người dân không có cà phê để bán và đang trông đợi vào vụ thu hoạch mới sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới. Với mức giá hiện tại, nhiều người trồng cà phê lạc quan về một vụ thu hoạch sẽ bán được giá cao.
Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) sắp diễn ra gây áp lực lên nguồn cung cà phê toàn cầu. Ảnh minh họa |
Một việc quan trọng tác động mạnh lên giá cà phê lúc này là những thông tin về Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU). Khi các lời kêu gọi liên tục được đưa ra đến quan chức Hội đồng châu Âu (EC) nhằm trì hoãn thời gian áp dụng quy định này nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa có hồi đáp, như vậy có vẻ như việc EUDR có hiệu lực từ 1/1/2025 tới sẽ không thay đổi. Theo nhiều chuyên gia, dự báo giá cà phê còn tiếp tục biến động mạnh khi càng gần đến ngày áp dụng quy định này và diễn biến thị trường tài chính thế giới phức tạp.
EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng sản lượng xuất khẩu. Với việc EUDR có hiệu lực từ đầu năm 2025, nhiều khả năng một lượng lớn cà phê Robusta của Việt Nam sẽ bị loại khỏi thị trường này, gây áp lực lên nguồn cung toàn cầu và đẩy giá cà phê tại thị trường châu Âu tăng cao.
Mặc dù EUDR đặt ra nhiều khó khăn, nhưng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vẫn mang đến những cơ hội lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu cà phê Việt Nam vào EU về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm cà phê chế biến sâu như cà phê rang xay, cà phê hòa tan.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của EU, đặc biệt là các quy định liên quan đến môi trường và bền vững.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt 979.353 tấn, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đã xuất khẩu 76.982 tấn cà phê trong tháng 7/2024, tăng 9,7% so với tháng trước đó. Niên vụ cà phê mới của Việt Nam sẽ đầu vào tháng 10, mặc dù cà phê thường không được giao với số lượng lớn cho đến tháng 11.
Thiếu hụt nước do hạn hán tại Việt Nam phơi bày điểm yếu của ngành cà phê trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong những năm gần đây. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia sản xuất cà phê lớn khác trên thế giới.
Ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - ước tính, đến ngày 17/8, tồn kho chỉ còn khoảng 3% trong tổng sản lượng khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ 2023 - 2024. Do đó, lượng hàng xuất khẩu cà phê từ nay đến cuối năm có thể giảm mạnh; đồng thời hàng tồn kho chuyển sang vụ mới gần như bằng 0.
“Phải đến tháng 10, tháng 11 mới bắt đầu vụ thu hoạch và các doanh nghiệp sẽ vội vã mua. Lúc này người dân có thể hái non để tận dụng giá cao, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cà phê”, ông Sơn cho biết.
Thị trường cà phê Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Để duy trì và phát triển ngành cà phê, Việt Nam cần có những chiến lược dài hạn, tập trung vào chất lượng, bền vững và xây dựng thương hiệu.
Cập nhật mới nhất giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên ngày 18/8, giá cà phê trong nước tăng nhẹ 300 đồng/kg, trong khoảng 117.300-118.100 đồng/kg. Hiện, giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 117.500 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông là 118.100 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai (Chư Prông) là 118.000 đồng, tăng 300 đồng/kg, ở Pleiku và La Grai cùng giá 117.900 đồng/kg; tại tỉnh Kon Tum cà phê được thu mua ở mức giá 118.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 118.100 đồng/kg. Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 117.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua ở mức khoảng 118.100 đồng/kg; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 118.000 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 118.000 đồng/kg. Giá cà phê thế giới sáng 18/8 (theo giờ Việt Nam) tiếp tục tăng trên 2 sàn giao dịch quốc tế. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao dịch ở mức 4.536 - 4.691 USD/tấn. Giá cà phê Robusta theo hợp đồng kỳ hạn giao tháng 9/2024 trên sàn London đã tăng 2,06% so với phiên trước, tương đương tăng 94 USD/tấn lên mức 4.665 USD/tấn. Cùng thời điểm, giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 9/2024 ở mức 245,45 US cent/lb, sau khi tăng 2,31% tương đương tăng 5,55 US cent/lb so với cuối phiên trước. |