Nghịch lý giá cà phê cao nhất mọi thời đại nhưng xuất khẩu bất ngờ giảm: Chuyên gia lý giải thế nào?
Giá cà phê giảm do ảnh hưởng trái chiều từ nguồn cung? Cà phê Việt Nam liên tiếp đón tin vui, thiết lập giá cao vút USDA: Dự báo xuất khẩu cà phê đạt 1,61 triệu tấn |
Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 85.000 tấn cà phê, bằng 60% lượng xuất khẩu cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam (VICOFA), cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong nửa đầu năm như: Biến động giá cà phê, diện tích trồng cà phê già cỗi ảnh hưởng sản lượng, biến đổi khí hậu, nguồn cung thiếu hụt và cả yếu tố đầu cơ…
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa). Ảnh: NLĐ |
Theo đó, những năm trước, giá cà phê chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, dẫn đến sự đầu tư của nông dân cho cây trồng này giảm. Nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích cây cà phê sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh dây… khiến sản lượng cà phê thu hoạch giảm mạnh.
Hiện giá cà phê có thời điểm lên mức hơn 120.000 đồng/kg, cao gấp ba lần trước đây. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải huy động lượng vốn rất lớn để mua hàng nhưng vẫn không gom đủ do niên vụ vừa rồi cà phê đã được người dân bán hết. Hiện vụ cà phê mới phải đến tháng 10, tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch, nên nguồn hàng để doanh nghiệp thu mua xuất khẩu rất hạn chế.
Thêm nữa, biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng khô hạn xảy ra không chỉ ở Tây Nguyên, vùng trọng điểm trồng cà phê của Việt Nam, mà còn khắp toàn cầu, đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê. Một số diện tích trồng cà phê đã già cỗi mà chưa kịp tái canh cũng ảnh hưởng đến sản lượng.
Bên cạnh đó, cũng có cả việc các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng chờ giá nên thiếu hụt nguồn cung xuất khẩu thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý, theo ông Hải, mặc dù so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng xuất khẩu giảm 8 - 9% nhưng kim ngạch lại tăng hơn 40%. “Hiện cà phê Việt Nam có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới”, ông Hải nói.
Trng khi đó, theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, một trong những yếu tố khiến sản lượng xuất khẩu cà phê nửa đầu năm nay giảm là trữ lượng cà phê không còn nhiều. Trước đó, khi giá cà phê đạt 85.000 - 90.000 đồng/kg, người dân đã bán gần hết để hưởng lãi và hạn chế rủi ro.
“Hiện tỉnh Gia Lai có khoảng 97.000 - 98.000 ha cà phê. Chúng tôi quy hoạch ở mức 100.000 ha và không tăng diện tích mà sẽ tập trung vào năng suất, chất lượng. Hiện trữ lượng cà phê trên địa bàn không còn nhiều”, ông Nghĩa thông tin.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, chỉ còn 1,47 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm qua.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa khô ở Việt Nam đến sớm hơn thường lệ. Nắng nóng kéo dài khiến mực nước tại các đập ở một số tỉnh giảm nhanh. Lo ngại hạn hán có thể ảnh hưởng đến mùa màng, giá cà phê trong nước neo cao trong tháng 5 và tháng 6, trái với quy luật mọi năm.
Bên cạnh đó, hạn hán và sâu bệnh ảnh hưởng nặng nề tới năng suất cây cà phê ở nhiều nơi. Tính riêng tỉnh Gia Lai, khoảng 4.800 ha cà phê, tương đương 5% tổng diện tích trồng cà phê toàn tỉnh, bị nhiễm bệnh rệp sáp. Nguyên nhân được xác định do thời tiết nắng nóng kéo dài, sau đó mưa đầu mùa tạo môi trường nóng ẩm, kích thích bệnh rệp sáp phát triển mạnh. Tỷ lệ thiệt hại tại một số khu vực của tỉnh Gia Lai lên đến 50%.