Công ty Bảo Yến: 'Điệp khúc' trúng thầu sát giá, mỗi đồng vốn 'cõng' 3 đồng nợ vay
Lào Cai: Xây dựng thương hiệu quế Bảo Yên Lào Cai: Thúc đẩy du lịch vào 3 huyện Bảo Yên - Bắc Hà - Si Ma Cai |
Gần đây, câu chuyện nhà thầu Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ xây dựng Bảo Yến (gọi tắt là Công ty Bảo Yến) trúng cùng lúc 2 gói thầu vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội - chủ đầu tư/bên mời thầu đã nhận được nhiều sự chú ý của người dân Thủ đô.
Công ty Bảo Yến là một trong số hiếm đơn vị thống lĩnh thị trường xe buýt Hà Nội với 270 xe buýt đang hoạt động, cung cấp dịch vụ vận tải công cộng cho 16 tuyến buýt |
Không chỉ vì tổng giá trị của 2 gói thầu khá lớn (gần 300 tỷ đồng), mà công ty Bảo Yến vốn là thương hiệu xe buýt thân thuộc với hành khách, gắn liền với những buổi học, buổi làm của sinh viên, người lao động trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều năm qua, công ty Bảo Yến là một trong số hiếm đơn vị thống lĩnh thị trường xe buýt Hà Nội với 270 xe buýt đang hoạt động, cung cấp dịch vụ vận tải công cộng cho 16 tuyến buýt.
Ưu điểm là trong số đó, công ty Bảo Yến duy trì 139 xe buýt sử dụng năng lượng sạch (khí CNG), góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Trở lại với 2 gói thầu kể trên, công ty Bảo Yến đã trúng gói thầu số 01 - cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho tuyến buýt số 61: Dục Tú (Đông Anh) - công viên Cầu Giấy. Giá trúng thầu là hơn 182 tỷ đồng, chỉ giảm 42 triệu đồng so với giá gói thầu, tương ứng tỷ lệ giảm giá nhỏ giọt, "siêu tiết kiệm" 0,02%.
Tương tự, ở gói thầu số 05 - tuyến buýt số 65: Thụy Lâm (Đông Anh) - Long Biên, công ty Bảo Yến cũng dễ dàng thắng sau khi bỏ giá hơn 110 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 19 triệu đồng so với giá gói thầu, tiếp tục là tỷ lệ giảm giá với 0,018%.
Công ty Bảo Yến trúng thầu rất thuận lợi, không vấp phải bất cứ sự cạnh tranh nào từ nhà thầu khác, dù sự cạnh tranh là ý nghĩa lớn nhất của hoạt động đấu thầu. Theo đánh giá của dư luận phản ánh, 2 gói thầu do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội mời thầu đang không chứng tỏ được hiệu quả trên góc độ kinh tế, chưa tối ưu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, với những người thường xuyên theo dõi công tác đấu thầu tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội hay công ty Bảo Yến đều không lấy gì làm bất ngờ, bởi chuyện trúng thầu sát giá không còn mới lạ với hai đơn vị này.
Nhớ lại hồi tháng 12/2021, công ty Bảo Yến gây xôn xao khi thắng đến 7 gói thầu tương ứng với 7 tuyến xe buýt có số hiệu từ 157 đến 163 trên địa bàn thành phố trong cùng một ngày. Là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ đăng ký, công ty Bảo Yến được lựa chọn là đơn vị thực hiện với tổng giá trị trúng thầu của 7 gói thầu là 1.050 tỷ đồng, chỉ giảm 254 triệu đồng so với giá gói thầu, tiết kiệm 0,02% cho nguồn vốn (sử dụng nguồn trợ giá từ TP. Hà Nội và nguồn vốn xã hội hóa).
Trước đó, trong quãng 2018 - 2020, công ty Bảo Yến cũng giành chiến thắng tuyệt đối với kịch bản tương tự tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội, với khối lượng là 6 gói thầu trị giá hơn 1.267 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp vận tải nhận xét, từ năm 2018, công ty Bảo Yến đã triển khai sử dụng nhiên liệu sạch là khí CNG để vận hành phần lớn các xe buýt. Trong khi đó, yêu cầu tại các gói thầu mà doanh nghiệp tham gia đều bắt buộc sử dụng nhiên liệu là khí CNG, nên các nhà thầu khác không thể đáp ứng được, tạo nên khung cảnh "một mình một ngựa" cho công ty Bảo Yến trúng thầu.
Đó là theo góc độ kỹ thuật. Vậy năng lực của nhà thầu "bách thắng" này thế nào? Là câu hỏi đang khiến không ít người dân băn khoăn.
Hồ sơ công ty Bảo Yến
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến thành lập ngày 15/4/2002. Sau hơn 20 năm hoạt động, doanh nghiệp đã tạo lập vị trí lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải, chiếm lĩnh thị phần ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Ngoài các tuyến xe buýt trong nội đô, công ty Bảo Yến còn cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng (chuyên chở tập thể, cá nhân đi thăm quan, du lịch bằng ô tô 4 - 45 chỗ), đưa đón nhân viên tại các khu công nghiệp (chủ yếu cung đường Hà Nội - Thái Nguyên), cho thuê xe tự lái...
Công ty Bảo Yến cũng thực hiện chiến lược Nam tiến, với ít nhất 3 tuyến xe buýt đang hàng ngày chở khách tại TP. Hồ Chí Minh.
Trái lại sự nổi tiếng của thương hiệu Bảo Yến, giới chủ của doanh nghiệp vô cùng kín tiếng, hiếm lần xuất hiện chính thức trên truyền thông. Không nhiều người biết rằng, công ty Bảo Yến được sáng lập và vận hành xuyên suốt bởi hai doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn (SN 1974) và Lê Thị Xuân (SN 1975).
Ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Lê Thị Xuân sở hữu tuyệt đối cổ phần của công ty Bảo Yến.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Bảo Yến - Ảnh http://baoyenbus.com |
Có lẽ Bảo Yến những năm trở lại đây "lớn nhanh như thổi", đặc biệt trong giai đoạn 2017 - 2020 khi liêp tiếp tăng số vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 230 tỷ đồng. Cần nhấn mạnh, đây cũng là thời kỳ công ty Bảo Yến trúng nhiều gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe buýt từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội, số tiền hợp đồng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo tài liệu Báo Công Thương tiếp cận được, năm 2018 - 2020, doanh thu của công ty Bảo Yến giữ ổn định và tăng trưởng theo từng năm, trong ngưỡng 400 - 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chi phí của doanh nghiệp, như giá vốn (thường chiếm 85% doanh thu), lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng theo tương ứng mỗi năm, và khéo vừa vặn với doanh thu ghi nhận được, khiến lợi nhuận chẳng còn là bao.
Cụ thể, năm 2018, công ty Bảo Yến báo lãi sau thuế 1,4 tỷ đồng; năm 2019 giảm lãi còn 1 tỷ đồng và năm 2019 đột nhiên lợi nhuận chỉ còn vẻn vẹn 12 triệu đồng. Sang năm 2021, doanh thu của hãng xe buýt dẫn đầu thị trường Hà Nội giảm xuống 364 tỷ đồng, nhưng đã nhanh chóng bật dậy vào năm 2022 với 626,5 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, là năm đạt doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Lợi nhuận của Công ty Bảo Yến luôn mấp mẽ lỗ trong những năm qua |
Vậy nhưng, lợi nhuận của công ty Bảo Yến chỉ lần lượt ở mức 23 triệu đồng (2021) và 355 triệu đồng (2022). Các khoản lợi nhuận ở mức khiêm tốn đối lập với sự mở rộng về quy mô hoạt động của công ty Bảo Yến, nhưng đồng thuận với số tiền giảm giá trong mỗi gói thầu trúng từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội.
Để đầu tư thêm đầu phương tiện, bổ sung vốn lưu động phục vụ chiến lược phát triển, công ty Bảo Yến sử dụng đòn bẩy tương đối mạnh tay. Từ nhiều năm trước, doanh nghiệp đã duy trì khoản nợ vay trong mức gấp nhiều lần vốn tự có. Đơn cử, năm 2018, tổng nợ treo trên ngưỡng 340 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 115 tỷ đồng, nhỏ hơn gấp 3 lần.
Bình quân, mỗi 1 đồng vốn của Công ty Bảo Yến sẽ cõng 3 đồng nợ vay |
Đến năm 2022 bức tranh vẫn không có nhiều sự thay đổi, song song với các lần nâng vốn là số nợ cũng "đạp ga" tăng theo, lên 644 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần vốn tự có.
Chủ nợ của công ty Bảo Yến là các ngân hàng, công ty tài chính như VPBank, TPBank, VietinBank, VietcomBank, Sacombank... với tài sản bảo đảm là những chiếc ô tô buýt, ô tô khách...