Thanh khoản hệ thống dư thừa, ngân hàng ế vốn, giảm lãi suất bắt đầu lan rộng
Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng Một đợt giảm lãi suất trên diện rộng, vay vốn sẽ rẻ hơn |
Sau cú sốc thanh khoản cuối năm ngoái (do sự cố SCB), NHNN đã tiến hành nhiều giải pháp, đến nay, thanh khoản của hệ thống đã dần cải thiện.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, hiện thanh khoản của hệ thống đã trở lại dồi dào, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc của hệ thống. Trong khi nguồn vốn dự trữ dồi dào thì tín dụng lại tăng rất chậm (tín dụng đến 24/2 chỉ tăng 0,77%).
Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, tín dụng tăng chậm, sức cầu vốn suy giảm, các ngân hàng bắt đầu giảm mạnh lãi suất huy động. Trong một cuộc họp gần đây, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất huy động từ 6/3 nhằm tạo điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, liên tiếp 3 ngày gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu rục rịch giảm lãi suất huy động.
Theo khảo sát của báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, hôm nay (4/3), một loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động 0,5%/năm tại nhiều kỳ hạn. Nhiều ngân hàng khác thông báo giảm lãi suất từ ngày mai (5/3) và thứ hai (6/3).
Cụ thể, hôm nay, VietABank đã giảm lãi suất thêm 0,4-0,5%/năm với nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 15 tháng cao nhất chỉ còn 9%/năm. Lãi suất cao nhất 9,1%/năm chỉ còn áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng trở lên.
Ngân hàng TMCP NCB cũng giảm lãi suất huy động 2 lần liên tiếp trong 4 ngày đầu tháng 3, đưa lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9,25%/năm, tức giảm 0,75%/năm so với cuối tháng 2/2023.
Trong khi đó, MSB thông báo sẽ giảm lãi suất huy động từ ngày mai (5/3) với mức giảm 0.5%/năm kỳ hạn từ 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn cao nhất tại MSB chỉ còn 9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi kỳ hạn dài (15 và 24 tháng).
BacABank thông báo giảm lãi suất huy động 0.3% -0,5% từ đầu tuần tới (6/3). Theo đó, lãi suất kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9,2%/năm dành cho khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng.
Trước đó, một loạt ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động.
Lãi suất của SaigonBank kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9%/năm. Tại PVCombank, lãi suất kỳ hạn cao nhất cũng chỉ còn 8,9%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Tại OCB, lãi suất huy động các kỳ hạn 6-12 tháng cũng giảm 0,5%, lãi suất kỳ hạn cao nhất chỉ còn 8,8%/năm. Thậm chí, tại PGBank, lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất đã về dưới 8%/năm…
Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra vào hôm qua (3/3), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Tuy vậy, về tín dụng, Thống đốc cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2/2023 rất chậm. Lý giải về điều này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng chậm do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thứ hai, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn.
Thứ ba, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Thứ tư, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.