Lộ trình ATIGA đến năm 2018
Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam thực thi cam kết ATIGA
Trong một phát biểu gần đây về chủ đề “Các ưu đãi từ cam kết thuế quan trên cơ sở Hiệp định ATIGA”, bà Mai Thị Lê Mai - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, trong nội khối ASEAN, Việt Nam đã ký kết 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 hiệp định. Trong số 6 FTA kể trên, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giữa 10 nước ASEAN có lộ trình giảm thuế sâu nhất và hoàn tất sớm nhất.
ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các FTA mà ASEAN là một bên của thỏa thuận.
Thực hiện cam kết ATIGA, đến hết năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%. Đến năm 2015, đã có thêm 1.720 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%.
Số còn lại gồm 669 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế), chủ yếu là những sản phẩm nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ cắt giảm xuống 0% vào năm 2018, bao gồm: Ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa….
Nhìn chung, việc đưa 1.720 dòng thuế xuống 0% vào năm 2015 đã tác động mạnh góp phần gia tăng kim ngạch nhập khẩu và xu hướng dịch chuyển thương mại sang các nước ASEAN, trong khi kim ngạch xuất khẩu không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến dưới tác động của tự do hóa thuế quan do các nước ASEAN 6 đã cắt giảm hoàn toàn thuế quan dành cho Việt Nam xuống 0% từ năm 2010.
Thách thức với các doanh nghiệp
Về cơ bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu phong phú với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2018 sẽ có nhiều tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan càng đến gần, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam.
Ngành ô tô còn non trẻ của Việt Nam sẽ cảm nhận sức ép ấy đầu tiên. Từ trước tới nay, nhằm bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước, Chính phủ luôn duy trì thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ở mức 100 - 150%. Bước vào sân chơi ATIGA, thuế nhập khẩu ô tô được điều chỉnh giảm theo lộ trình từ 70% năm 2012, 50% năm 2014 xuống 0% năm 2018.
Mức thuế 0% thực sự là mối đe dọa lớn đối với những doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, với rất ít thành tựu sau 20 năm phát triển, sẽ phải đương đầu với làn sóng ồ ạt những doanh nghiệp xuất khẩu ô tô trong khu vực, với mức giá và chất lượng cạnh tranh hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với ngành lắp ráp điện tử và ngành sản xuất dầu thực vật trong nước.
Theo bà Mai Thị Lê Mai, với lộ trình cắt giảm thuế quan trong ATIGA, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp nhằm hoàn thiện việc xây dựng danh mục 7% số dòng thuế linh hoạt sẽ được xóa bỏ vào năm 2018.
Lịch sử hình thành Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) - Ký kết vào tháng 2/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992. - ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa nội khối, và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. - Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA. |