Thách thức nào cho giải ngân vốn đầu tư công năm 2023?
Đầu tư công đóng góp vào tăng trưởng kinh tế
Ngày đầu năm mới 2023, nhìn lại chặng đường năm 2022 đã đi qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2022 là một năm với những biến động quốc tế chưa từng có, diễn biến lại nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng tới kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tảng, kinh nghiệm, ý chí và nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế chúng ta có quyền tự hào về những gì đã làm được.
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức |
Đó là tình hình chính trị - xã hội ổn định, tăng trưởng GDP đạt mức cao với 8,02%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5% và cao nhất giai đoạn từ 2011-2022. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện…
Về giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng đã hoàn thành, như: Các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đường lăn cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất... Đồng thời, nhiều dự án trọng điểm như đường ven biển, đường vành đai đô thị lớn, sân bay, đường sắt, đường thủy... đã được khẩn trương hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, trong đó có 12 dự án của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
“Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của mỗi người dân. Mỗi mét vuông mặt bằng được giải phóng, mỗi km đường được xây dựng và hoàn thành đều chứa đựng mồ hôi, công sức, nỗ lực và quyết tâm rất lớn của mỗi người dân, mỗi nhà thầu xây dựng, mỗi doanh nghiệp, và cả hệ thống chính trị” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với số vốn đầu tư cao hơn tới 26% so với năm 2021 (tương đương 120 nghìn tỷ đồng), đã từng bước được cải thiện, tăng nhanh dần vào cuối năm.
Nguồn lực quý giá này, tuy chỉ chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là nguồn vốn “mồi”, dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bởi thực tế cho thấy, càng giải ngân vốn đầu tư nhanh thì càng nhiều dự án hoàn thành, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động "Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công" |
Phát động thực hiện “Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công”
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đầu tư công năm 2022 đã khó, nhưng năm 2023 được dự báo càng khó hơn, bởi bên cạnh khả năng suy thoái kinh tế thế giới và nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn thì còn có có nhiều yếu tố bất định, khó lường chắc chắn sẽ tác động tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Vì vậy, để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, các cấp, các ngành, các ban quản lý dự án… nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm, tháo gỡ mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện cần thiết để đẩy nhanh hơn nữa khối lượng thực hiện các dự án, công tác thanh quyết toán, quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra, phấn đấu giải ngân trên 95% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.
Đặc biệt, vấn đề khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu. Điều quan trọng là sau đó, chúng ta nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng triển khai xây dựng, để đảm bảo đúng tiến độ; đồng thời nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để giải ngân. Theo đó, mỗi nhà thầu, mỗi doanh nghiệp, mỗi người thợ và từng người dân cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm cao, sát cánh cùng các cơ quan quản lý để tổ chức thực hiện nhanh nhất, tốt nhất, chất lượng nhất công việc trên hiện trường, không kể ngày đêm, không kể ngày lễ, ngày Tết, ngày nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc đã ký kết.
Được biết, trong cả 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023, Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước các cấp thuộc Bộ Tài chính đã quyết định vẫn tổ chức thanh toán, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông - Vận tải cũng vẫn tổ chức làm 3 ca 4 kíp… Điều này thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong việc phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Trên tinh thần đó, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động thực hiện “Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công”, với tinh thần làm việc xuyên Tết, xuyên nghỉ lễ, không ngại khó, không ngại khổ, "nguồn lực càng lớn thì trách nhiệm và áp lực càng cao". Cùng nhau thực hiện các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra, qua đó góp phần thực hiện thành công hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và từng bước hiện thực hóa đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, không chỉ là trong tháng cao điểm thi đua, tinh thần quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được thể hiện xuyên suốt trên tất cả các công trường, trong cả năm 2023, năm mà tổng nguồn lực đầu tư công còn cao hơn cả năm 2022, lên tới trên 700.000 tỷ đồng. Có như vậy, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 mới thực sự hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.