Tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô
Phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước. Cụ thể, các doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô, có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước |
Dưới tác động tích cực của các chính sách mới mà tiêu biểu là Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam hướng tới thị trường khu vực đã được khởi công và hoàn thành. Tiêu biểu như dự án nhà máy Thaco-Mazda của Công ty CP ô tô Trường Hải-Thaco (công suất 100.000 xe/năm); Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới tại Ninh Bình với công suất 120.000 xe/năm của Liên doanh Hyundai-Thành Công; Dự án nhà máy ô tô Vinfast tại Hải Phòng của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup..
Đáng chú ý, các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).
Tuy nhiên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, còn phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu...Bên cạnh đó, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan, 1/4 của Indonesia… Điều đó dẫn đến ngành công nghiệp ô tô khó có thể tăng cường tỷ lệ nội địa hoá để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Tăng dung lượng thị trường
Để phát triển ngành ô tô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hoá, hạ giá thành sản phẩm, Bộ Công Thương đề xuất cần tập trung giải quyết vấn đền về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực.
Trong vấn đề tạo dung lượng thị trường và kích cầu tiêu dùng cho ngành ô tô, mấu chốt là bảo vệ thị trường trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế; triển khai phương án quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên cả nước, khuyến khích giao thương hàng hóa giữa các vùng miền nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy tiêu dùng ô tô.
Cũng theo các DN ô tô, vấn đề quan trọng hàng đầu đối với ngành này là dung lượng thị trường. Bởi trong bối cảnh dung lượng thị trường tại Việt Nam tổng quy mô cả xe du lịch và xe thương mại khoảng 400.000 xe/năm thì khó có thể đẩy mạnh và phát triển ngành CNHT
Chính vì vậy, một số DN ôtô kiến nghị Chính phủ nội dung liên quan đến điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu như sau: Trường hợp DN có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên, tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của công ty sản xuất, lắp ráp ô tô và đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi, một trong số các công ty nhận vốn góp đạt điều kiện ưu đãi của chương trình ưu đãi thuế thì các công ty còn lại ở cả hai bên không cần đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi của chương trình nếu các xe sản xuất, lắp ráp cùng nhóm đạt điều kiện hưởng ưu đãi. “Mục đích kiến nghị này là để mở rộng đầu tư, tăng quy mô sản xuất và kêu gọi các đối tác mới hợp tác đầu tư và phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam nhằm tăng sản lượng, bảo đảm điều kiện cần thiết để từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Muốn làm ngành ô tô cần gom DN lại theo hướng sáp nhập, không một quốc gia nào làm được ngành công nghiệp ôtô với hàng chục hãng xe riêng lẻ, manh mún và thị trường bị xé lẻ" - đại diện DN nêu cụ thể.
Một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước cũng kiến nghị, trong bối cảnh các FTA có hiệu lực, áp lực ô tô nhập khẩu đang ngày càng lớn, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng chính sách thúc đẩy nội địa hóa; chính sách ưu đãi nhập khẩu linh kiện cần gia hạn và duy trì trong thời gian tới, tạo động lực cho DN lắp ráp ô tô; bổ sung mặt hàng ô tô vào danh mục khuyến khích sản xuất, từ đó nâng tầm công nghiệp ô tô.