Tăng sức bật cho cây chè
Các sản phẩm chè chất lượng cao sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của cây chè
“Rào cản” từ chất lượng
Với lợi thế về điều kiện thời tiết phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây chè, chè được coi là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế lớn cho nhiều địa phương. Hiện nay, Việt Nam có hơn 40 tỉnh, thành phố có diện tích trồng chè, trong đó các tỉnh Lâm Ðồng, Thái Nguyên, Yên Bái và Phú Thọ có diện tích chè khá lớn, bình quân từ 14-30 nghìn ha, đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Việc chọn tạo thêm nhiều giống chè tốt để phát triển đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần điều hòa sự phân bố dân cư cũng như thúc đẩy quá trình định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi. Bên cạnh đó, cây chè còn có vai trò rất lớn trong việc che phủ đất trống đồi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, một trong những nhược điểm lớn nhất của phần lớn các giống chè Việt Nam là năng suất cao nhưng chất lượng còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng chè đang hướng đến các sản phẩm chất lượng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất khẩu được 33 nghìn tấn chè, với giá trị đạt 51 triệu USD, giảm 13,2% về khối lượng và giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do chè Việt Nam không có tính cạnh tranh cao trên thị trường và hiện giá chè xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trên thế giới.
Cải thiện chất lượng chè
Theo ông Nguyễn Hữu La - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, để cải thiện chất lượng các giống chè, viện đã thực hiện đề tài khoa học: Nghiên cứu, chọn tạo giống chè năng suất, chất lượng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Ðề tài đã chọn tạo được nhiều giống chè mới phục vụ sản xuất chè đen, năng suất bình quân đạt khoảng 20 tấn/ha; chọn tạo được 4 dòng chè triển vọng có khả năng chế biến chè xanh chất lượng cao và chè ô long, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất đạt 15 tấn/ha.
Sau khi nghiên cứu, các sản phẩm chè chất lượng cao đã được trồng tại một số địa phương trên cả nước như Lai Châu, Phú Thọ, Nghệ An, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Ninh.... Qua thực tế, các tỉnh đều đánh giá giống chè mới sinh trưởng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết. Đến thời điểm này, chỉ tính riêng tại tỉnh Phú Thọ, các sản phẩm chè chất lượng cao do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nghiên cứu, chọn tạo và trồng đã chiếm hơn 60% tổng diện tích trồng chè (trên 8.000 ha). Kết quả cho thấy, phần lớn các giống chè nghiên cứu đều có búp xanh vàng sáng đến xanh vàng. Điều này cho thấy các sản phẩm chè đã có sự sinh trưởng, phát triển tốt và cho chất lượng cao.
Tại Lai Châu, giống chè PH8 cũng được chứng minh có khả năng chịu lạnh tốt. Trong những đợt lạnh giá năm 2011, khi các giống chè khác ngừng phát triển thì giống chè PH8 vẫn bật mầm và sinh trưởng bình thường. Trong đợt hạn hán kéo dài năm 2009 tại Phú Thọ, trong khi nhiều diện tích giống chè khác bị héo rũ thì cả hai giống PH8, PH9 vẫn sinh trưởng bình thường. Tại Nghệ An, mặc dù cây chè mới được 2 năm tuổi và phải qua nhiều đợt nắng nóng nhưng vẫn sinh trưởng tốt. Vì vậy, trong thời gian tới, các tỉnh sản xuất chè ở vùng trung du miền núi phía Bắc có kế hoạch trồng mới hoặc trồng thay thế các nương chè cũ, nhằm phát huy tiềm năng của giống mới và nâng hiệu quả sản xuất chè.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 174.900 tấn chè. Hiện sản phẩm chè Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, cả nước ổn định diện tích chè khoảng 140 nghìn ha. Cây chè vốn được coi là cây trồng chủ lực của người dân vùng cao. Việc các sản phẩm chè chất lượng cao được trồng thành công sẽ mở ra hướng đi mới trong việc tăng sức bật cho cây chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm chè Việt trên thị trường./.
Mai Phương