Tản mạn về những lễ hội đua ngựa đặc sắc ở Việt Nam
Đua ngựa Bắc Hà
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà
Cho đến giờ, không ai biết rõ lễ hội đua ngựa của bà con vùng cao Bắc Hà - Lào Cai bắt đầu từ khi nào và chính lễ vào ngày nào. Theo những người già nhất sống ở “cao nguyên trắng” thì áng chừng khi hoa mận nở trắng rừng là lúc người dân khắp vùng Bắc Hà nô nức kéo nhau về sân dinh thự Hoàng A Tưởng chen chân xem hội đua ngựa.
Đường đua lấy điểm xuất phát từ ngã ba chợ cũ và đích là bãi đất trống nằm dưới chân núi “Ba Mẹ Con” sát dinh Hoàng A Tưởng. Mỗi lần vào trận, các kỵ mã tay cầm súng rất oai vệ, khi nghe tiếng súng nổ ra hiệu là rạp mình trên lưng ngựa phi như bay. Đến gần đích, các kỵ mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng.
Thông thường, các cuộc đua ngựa còn kèm theo các trò để thi thố tài năng, như nhào lộn trên lưng ngựa, sải mình xuống với lấy một vật gì đó đặt dưới đất hoặc lấy được bầu rượu treo trên cao đặt ở phía cuối đường bên kia rồi vòng lại. Cuộc đua ngựa diễn ra hấp dẫn trước sự hò reo cổ vũ của bà con dân bản. Với các chàng trai chưa vợ thì mỗi dịp đua ngựa còn là lúc họ thể hiện sự oai phong, dũng mãnh để lọt vào mắt các cô gái.
Giải thưởng cho người chiến thắng khi xưa không có vật chất nhưng lại vô cùng oai hùng, người thắng cuộc được tôn vinh là “anh hùng cao nguyên”. “Tiếng thơm” này vang vọng khắp bản làng, thôn xóm và được truyền tai nhau cho những thế hệ sau.
Nhưng rồi, chiến tranh trường kỳ khiến lễ hội đua ngựa của bà con vùng cao Bắc Hà mỗi dịp đầu xuân không còn diễn ra được nữa. Mãi cho đến năm 2007, lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được phục dựng. Đây cũng là hoạt động văn hóa đặc sắc hưởng ứng chương trình Hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra hàng năm.
Tuy nhiên, lễ hội đua ngựa Bắc Hà bây giờ đã có chút thay đổi: Thời gian diễn ra không còn vào mùa xuân mà vào tháng 6, gắn với Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Hà. Bên cạnh đó, đường đua ngựa cũng không tổ chức ở bãi đất trống rộng lớn mà diễn ra trong sân vận động có tường rào và đua theo tốp 5 ngựa. Ngựa nào về đích nhanh nhất thì thắng và có quyền tiếp tục vào vòng trong. Vòng chung kết sẽ chọn ra giải nhất, nhì, ba và khuyến khích.
Dù quy mô, cách thức tổ chức lễ hội đua ngựa có khác xưa, thế nhưng mỗi cuộc đua vẫn giữ được nét dân dã, nguyên sơ của lễ hội đặc trưng vùng cao. Các chiến binh vẫn là những anh nông dân hết sức giản dị, đua ngựa không yên cương, không bàn đạp giữ chân, thúc ngựa chỉ bằng dây thừng bện, thậm chí bằng tay không… nhưng lại vô cùng dũng cảm, hồn nhiên và khí phách.
Chính vì sự hấp dẫn còn gần như nguyên vẹn ấy mà từ năm 2007 đến nay, cứ mỗi năm Bắc Hà lại tổ chức giải đua ngựa một lần. Năm nào cũng thế, hội xong rồi mà khách vẫn cứ “say”.
Lễ hội đua ngựa trên Gò Thì Thùng
Gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hàng năm cứ vào mùng 9 tháng Giêng (âm lịch), vùng đất rộng mênh mông này lại diễn ra lễ hội đua ngựa. Cũng giống như Bắc Hà, kỵ sĩ Gò Thì Thùng chính là những chàng trai làng khoẻ mạnh. Có điều khác là các chiến mã tham gia cuộc đua là những chú ngựa cái, chuyên thồ nông sản của người địa phương, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để cổ vũ.
Ngay từ chiều mùng 8 Tết, công tác chuẩn bị cho khâu tổ chức hội đua ngựa trên Gò Thì Thùng đã hoàn tất. Đoàn ngựa diễu hành, đoàn ngựa đua cùng các kỵ sĩ đều có mặt tại trường đua để tập dượt lần cuối. Đúng 8 giờ 30 mùng 9 Tết, cuộc đua bắt đầu. Sau hồi tù và vang lên báo hiệu giờ xuất phát, các kỵ sỹ thúc ngựa phóng nhanh về phía trước với dáng vẻ dũng mãnh trong tiếng trống thúc giục rộn rã và tiếng reo hò cổ vũ của khán giả vang dội cả núi rừng.
Bởi các chiến mã tham gia cuộc đua là ngựa cái nên chúng được hóa trang khá diêm dúa, thường là khoác thêm một tấm vải màu rất đẹp, hoặc là thắt những chiếc nơ rất điệu đà. Thế nhưng khi vào cuộc đua, các chiến mã cũng rất quyết liệt, gay cấn theo tiếng trống giục, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ. Nhưng do không phải ngựa đua chuyên nghiệp nên nhiều phen chiến mã làm cho người xem phải ôm bụng mà cười. Chẳng hạn có con đang chạy hăng hái bỗng dưng dừng lại, nhất định không chịu chạy tiếp. Có con đang chạy bỗng rẽ ngoặt vào bên lề vì phía ấy có nhiều “chiến hữu” đang ung dung gặm cỏ…. Tuy nhiên, những tình huống vui vẻ ấy luôn được mọi người hào hứng cổ vũ.
Những ngày hội đua ngựa tưng bừng mang bản sắc của các địa phương đã và đang tạo nên một nét văn hoá riêng độc đáo lôi cuốn du khách bốn phương./.
Phương Tâm