Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Kornet thiêu cháy "siêu tăng" Challenger 2
"Sát thủ săn tăng" Kornet
Xe tăng Challenger 2 chủ lực phục vụ trong quân đội Anh từ năm 1994, được cho là “bất khả chiến bại”, lần đầu tiên bị thất thủ trước quân đội Nga. Truyền thông Nga đưa tin, cỗ “siêu tăng” này ban đầu bị pháo D-20 152 mm bắn trúng đã làm đứt xích, nằm bất động, sau đó bị tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet phá hủy.
Hồi đầu tháng 4/2023, quân đội Nga đã tổ chức huấn luyện các đơn vị “thợ săn xe tăng” đặc biệt nhằm đối phó với xe tăng và thiết giáp của Đức, Anh và Mỹ đang được gửi đến Ukraine.
Sức mạnh tàn khốc của tên lửa Kornet có thể phá hủy nhiều xe tăng hạng nặng. |
Một trong những vũ khí mà quân đội Nga không thể không nhắc đến là tên lửa Kornet để “săn tăng”. Kornet là hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường cơ động được sản xuất rộng rãi, được phát triển từ những năm 1980 và 1990, lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1998.
Kornet được thiết kế đặc biệt để chống lại các xe tăng chiến đấu thế hệ thứ ba mới nhất của NATO như Leopard 2, Challenger 2 và Abrams.
Bí mật đằng sau sự nguy hiểm của Kornet chính là nằm ở các đầu đạn song song của nó có thể xuyên thủng lớp giáp thép đồng nhất dày tới 1.300mm (xe tăng Leopard 2A4 và Abrams có lớp giáp trước dày tối đa lần lượt là 800 và 700mm).
Sau khi tiếp xúc với xe tăng đối phương, đầu đạn thứ nhất phát nổ, đầu đạn thứ hai sau đó tạo ra một luồng nhiệt cực lớn đốt cháy lớp giáp, tiếp đến khoang lái, giết chết những người bên trong và kích nổ các loại đạn dược trên xe tăng đối phương (điều khiến tháp pháo của xe tăng nổ tung theo đúng nghĩa đen trong một số trường hợp).
Các biến thể mới nhất của Kornet có khả năng tấn công tương tự như Javelin của Mỹ, cũng như các đầu đạn nhiệt áp và đầu đạn nổ phân mảnh được sử dụng để chống lại các mục tiêu ngoài xe tăng.
Kornet có tầm bắn từ 100-8.000 mét, khiến chúng trở nên nguy hiểm trong môi trường đô thị và cũng uy lực không kém trong các không gian mở và địa hình đồng bằng.
Ngoài việc do binh sỹ vận hành, Kornet có thể được gắn trên xe thiết giáp Tiger được chỉnh sửa, xe bọc thép BMP-2 và MBD-2. Hệ thống này được gọi là Kornet-EM có 2 bệ phóng có thể thu gọn lại, mang 4 tên lửa Kornet, cộng với 8 quả đạn bổ sung.
Hệ thống tên lửa chống tăng cơ động của Nga có tỷ lệ đánh trúng mục tiêu đạt gần 100% kể cả khi chúng được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động.
Ngoài diệt tăng, tên lửa Kornet còn được sử dụng để phá hủy công sự, nhân lực trong hầm trú ẩn, và thậm chí cả mục tiêu bay tốc độ thấp như trực thăng bay treo tại chỗ.
Đánh giá về sức mạnh của Kornet trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và mối nguy hiểm với xe tăng phương Tây phải đối mặt với Kornet trên chiến trường chuyên gia Guy McCardle của tạp chí quân sự SOFREP (Mỹ) cho rằng, các hệ thống tên lửa chống tăng của Nga, đặc biệt là Kornet sẽ đốt cháy xe tăng phương Tây cung cấp cho Ukraine khi đối đầu.
"Các thợ săn xe tăng của Nga trong xung đột với Ukraine, đáng sợ nhất là tổ hợp Kornet. Chúng có thiết kế bên ngoài gần tương đương với Javelin của người Mỹ nhưng có tầm bắn và hiệu quả lớn hơn nhiều", chuyên gia Mỹ nói.
Binh sỹ Nga mang hệ thống tên lửa Kornet ở vùng Kharkiv, tháng 8/2022. Ảnh: Sputnik |
Tên lửa Kornet đáng sợ thế nào?
Một thực tế về sức mạnh của tên lửa Korent, mới đây giới quân sự thế giới cùng các chuyên gia đã chứng kiến Kornet thiêu cháy vũ khí huyền thoại “bất khả chiến bại” của Anh đưa đến Ukraine là Challenger 2.
Trong các năm 2016 và 2018, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hàng chục xe tăng Leopard 2A4 tham gia chiến đấu chống lại các chiến binh người Kurd và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Trong quá trình này, Ankara đã mất hàng chục xe tăng trong các vụ đánh bom ven đường, đánh bom xe tự sát và do vũ khí chống tăng do Nga sản xuất.
Trong một báo cáo năm 2017, các nhà điều tra Đức đã từng cho biết, có tới 6 trong số 10 chiếc Leopard 2 bị tiêu diệt trong cuộc giao tranh ác liệt ở thành phố al-Bab (Syria) đã bị tiêu diệt bởi tên lửa Kornet.
Trước đây, lực lượng NATO ở Afghanistan cũng đã từng mất một số xe tăng Leopard do đánh bom ven đường vào những năm 2000, nhưng những tổn thất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã khiến xe tăng Đức không còn “bất khả chiến bại” trước các vũ khí chống tăng hiện đại.
Bên cạnh đó, Kornet cũng thể hiện hiệu quả tương tự khi đối phó với xe tăng Abrams ở Iraq. Trong năm 2003, các đơn vị Vệ binh Cộng hòa Iraq đã hạ gục 2 xe tăng Abrams và 1 xe thiết giáp Bradley trong cuộc giao tranh ở miền Nam bằng tên lửa Kornet.
Cũng có khoảng 7 chiếc Abrams khác, thuộc quân đội Iraq đã bị IS phá hủy từ năm 2014-2016 bằng các tên lửa Kornet mà tổ chức khủng bố này thu được.
Tờ Tạp chí Wall Street Journal đã từng cho biết, trong chiến dịch quân sự giải phóng Mosul, quân đội chính phủ Iraq đã dùng tên lửa Kornet tấn công rất hiệu quả các mục tiêu của tổ chức khủng bố IS.
"Việc sử dụng thành công các tên lửa Kornet cho phép quân đội Iraq tạo bước ngoặt trong việc giải phóng Mosul, thành trì lớn cuối cùng của nhóm IS", tạp chí này viết và cho biết ghi nhận vai trò của tên lửa này như yếu tố "tạo ra sự thay đổi triệt để trong hoạt động giải phóng Mosul".