Xe tăng Challenger-2 bị săn lùng, đốt cháy ở Ukraine ra sao?
Tại chiến sự Nga - Ukraine, mới đây trang web của Bộ Quốc phòng Anh khẳng định xe tăng hạng nặng chủ lực Challenger 2 của Anh chưa bao giờ bị tổn thất trước hỏa lực của đối phương.
Nhưng ngay khi xuất hiện theo hướng Zaporozhye gần Rabotino trong thì một trong số chúng đã biến thành đống phế liệu bốc cháy. Những chiếc khác cũng đã phải tháo chạy khỏi chiến trường.
Một chiếc xe tăng Challenger 2 của Lữ đoàn thiết giáp số 7 của Anh di chuyển qua thành phố Basra, Iraq, vào tháng 3/2003 - Ảnh: REUTERS |
Challenger 2 được ca tụng "bất khả chiến bại"
Những người chế tạo đã tuyên bố với cả thế giới rằng, xe tăng Challenger 2 trở nên “bất khả chiến bại” sau khi được hiện đại hóa. Thậm chí, trên website của Bộ Quốc phòng Anh vẫn in đậm lời quảng cáo: "Chưa một chiếc xe tăng nào bị phá hủy trong chiến đấu".
Đây cũng là lý giải cho câu hỏi tại sao xe tăng Challenger 2 lại nhận được sự quan tâm nhiều không chỉ từ truyền thông, mà cả từ giới chuyên gia quân sự khi xuất hiện tại chiến sự Nga - Ukraine.
Challenger 2 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực, được thiết kế để đối đầu và tiêu diệt các xe tăng khác. Loại xe tăng này phục vụ trong quân đội Anh từ năm 1994, do BAE Systems Land & Armaments thiết kế và sản xuất, đã được triển khai ở Bosnia và Herzegovina, Kosovo và Iraq.
Vũ khí chính của Challenger2 chính là pháo nòng xoắn Royal Ordnance L30 120 mm, phạm vi hoạt động lên tới 4 km. Pháo Royal Ordnance L30 120 mm còn có thể bắn đạn nổ mạnh dẻo (HESH) và đạn APFSDS. Tháp pháo trên Challenger 2 trang bị giáp phức hợp Chobham, có khả năng chống chịu nhiều loại vũ khí vác vai.
Chobham được cho là đối phó hiệu quả với đạn chống tăng. Trang tin quân sự Topwar đánh giá, công nghệ giáp Chobham rất có giá trị về mặt học thuật trong phát triển và chế tạo xe tăng hiện đại. Công nghệ này đang được ứng dụng trên nhiều dòng xe tăng hiện đại như M1 Abrams, Leclerc, K2 Black Panther.
Trong khi đó, đạn HESH có tầm bắn xa hơn nhiều lên tới 8,04 km và hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu như tòa nhà và phương tiện có lớp bảo vệ mỏng. Challenger-2 có thể mang 49 viên đạn, kể cả đạn HESH và đạn APFSDS cũng như đạn khói.
Vũ khí phụ của Challenger-2 gồm hai súng máy 7,62 mm, một súng được gắn đồng trục với súng chính và súng còn lại đặt trên nóc xe. Challenger-2 có thể đạt tốc độ tối đa 58 km/giờ trên địa hình bằng phẳng và khoảng 40 km/giờ trên địa hình gập ghềnh.
Thành phần cấu tạo của loại xe tăng này là bí mật nhưng được cho cứng hơn thép hai lần và có thể sống sót sau đòn tấn công trực tiếp từ xe tăng T-72 của Nga. Trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 tại Iraq, xe tăng Challenger 2 đã phá hủy một xe tăng T-55 bằng đạn HESH ở cự ly 4,7km.
Siêu tăng Challenger 2 có giá hơn 5 triệu USD/chiếc, trọng lượng từ 62 tấn – 70 tấn tùy phiên bản và đạn dược.
Chuyên gia quân sự Nga, Igor Korochenko, Tổng biên tập Tạp chí Sức mạnh Tổ quốc đánh giá, nhiều nhà phân tích quân sự từng nhận định triết lý phát triển xe tăng của Anh là bảo thủ và thiếu logic.
Thực tế này tồn tại từ Thế chiến 2, xe tăng Anh thường được đánh giá là chậm chạp và thiếu hiệu quả do tư duy chế tạo khá đặc biệt. Đi ngược lại với xu thế chung của xe tăng thế giới là cơ động cao, hỏa lực mạnh và là phương tiện diệt tăng chủ lực.
Phía Anh chọn hướng phát triển xe tăng cần có khả năng bảo vệ mạnh mẽ và tư duy đặc biệt xe tăng không phải dành cho đấu tăng, mà đó là nhiệm vụ của pháo binh. Mục tiêu của người Anh là tạo ra phương tiện có khả năng sống sót cao, hỏa lực mạnh để tiêu diệt chủ yếu các phương tiện bọc thép của đối phương ở khoảng cách xa nhất có thể.
Xe tăng Challenger 2 được ca tụng là "bất khả chiến bại". Ảnh: Shutterstock |
Điểm khiến Challenger 2 bị hạ gục
Tuy có động cơ khá mạnh nhưng chiếc xe tăng này có trọng lượng lớn nên nó trở nên vụng về như một con tê giác béo. Chính điều này khiến các chuyên gia quân sự London cảnh báo rằng trên vùng đất mềm và ẩm ướt ở Ukraine, Challenger 2 có nguy cơ mắc sai lầm rất lớn. Các cố vấn Anh đã yêu cầu chỉ đưa Challenger 2 vào trận chiến trên những con đường khô ráo và có nền đất cứng. Và đừng có chúi mũi về phía trước để khỏi bị đạn pháo hoặc tên lửa bắn trực diện hoặc hai bên.
Challenger 2 là một trong những xe tăng nặng nhất trong kho vũ khí của NATO. Điều đó nghĩa là việc di chuyển thông thường, đặc biệt là ở những khu vực không phù hợp với xe tăng hạng nặng do bùn, sông, đường và cầu hẹp cũng như các chướng ngại vật, có thể là một thách thức đối với loại xe tăng này.
Theo các chuyên gia quân sự, Challenger 2 có nguy cơ bị đe dọa liên tục bởi vũ khí chống tăng như súng trường chống tăng và tên lửa chống tăng vác vai của các lực lượng Nga.
Mặt khác, xe tăng Challenger-2 có nhiều vấn đề kỹ thuật khó tương thích hệ thống tác chiến và hậu cần của Ukraine hiện tại, trong đó có kiểu pháo rãnh xoắn 120mm lệch chuẩn với các dòng xe tăng NATO hiện đại, thiết bị quan sát ảnh nhiệt lạc hậu và nhiều vấn đề hậu cần phức tạp khác.
Không chỉ có vậy, mỗi xe tăng Anh chuyển sang Ukraine phải mang theo một pound (gần nửa kg) thuốc nổ - để nếu xe bị hư hỏng, các thành viên kíp lái còn sống phải cho nổ nó để không có bí mật nào lọt vào tay người Nga. Đây là cách các lính xe tăng Ukraine bước vào trận chiến, phải ôm một đống thuốc nổ TNT chết người như những kẻ đánh bom liều chết.
Challenger 2 được ca tụng với danh tiếng "bất khả chiến bại" từ khi xuất hiện tới nay. Tuy nhiên, điều đó khá dễ hiểu vì từ trước tới nay, các trận chiến Challenger 2 tham gia chỉ là đối phó với các đối thủ dưới tầm, thậm chí không có khả năng phản kháng.
Theo các chuyên gia nhận định: “Một số tính năng của xe tăng Challenger-2 chính là điểm yếu và nó sẽ bộc lộ rõ ràng trên chiến trường Ukraine”.
Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Grant Shapps chia sẻ với Đài Sky News về thông tin một xe tăng Challenger 2 được Anh viện trợ cho Ukraine đã bị tiêu diệt: "Tôi xác nhận điều đó là đúng. Theo chúng tôi biết, đó là chiếc đầu tiên trong lịch sử. Chúng tôi đã trao cho Ukraine 14 xe tăng Challenger 2. Chúng tôi chấp nhận sẽ luôn có mất mát vật chất trên chiến trường". Phóng viên quân sự Semyon Pegov của Kênh 1 truyền hình Nga đã đưa ra thông tin chi tiết về việc chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Anh bị phá hủy gần Rabotino, trên mặt trận Zaporozhye. Ban đầu cỗ xe tăng Challenger 2 đã bị pháo 152 mm D-20 chế tạo từ thời Liên Xô bắn trúng, và sau đó bị kết liễu bởi tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet. Khi lô Challenger 2 đầu tiên đến Ukraine cuối tháng 3/2023, dòng xe tăng này đã được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Kiev trên chiến trường. Tuy nhiên, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tiêu diệt xe bọc thép được ca tụng tụng này. |