Điều gì xảy ra nếu xe tăng Challenger 2 vừa bị tiêu diệt rơi vào tay quân đội Nga?
Mới đây trang web của Bộ Quốc phòng Anh xác nhận xe tăng Challenger 2 hạng nặng chủ lực bị tiêu diệt ngay khi xuất hiện theo hướng Zaporozhye gần Rabotino.
Phóng viên quân sự Semyon Pegov của Kênh truyền hình Rossiya 1 đã đưa thông tin chi tiết về việc chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên do Anh sản xuất bị phá hủy gần làng Rabotino thuộc mặt trận Zaporozhye, trên mặt trận chiến sự Nga - Ukraine.
Theo đó, xe tăng Challenger 2 ban đầu bị pháo D-20 152 mm bắn trúng gây hư hại. Viên đạn phá mảnh cỡ 152 mm đã làm đứt xích, khiến xe tăng nằm bất động. Cỗ chiến xa Challenger 2 không thể di chuyển sau đó đã bị lính dù Nga sử dụng tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet phá hủy.
Trong video do máy bay không người lái (UAV) ghi lại, xe tăng Challenger 2 nằm bất động tại khu vực trống trải, gần đó là hàng loạt thiết giáp chở quân của Ukraine bị bắn cháy từ trước. Vụ nổ lớn bùng lên, tạo ra cột khói và nhiều mảnh văng ra xung quanh. UAV Nga sau đó tiếp cận, cho thấy chiếc Challenger 2 cháy rụi hoàn toàn, bên cạnh là xác của hai xe chiến đấu bộ binh BMP và một xe thiết giáp M113 Ukraine.
Xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine. |
Đáng chú ý, phóng viên Semyon Pegov cho biết thêm rằng hiện tại lực lượng vũ trang Ukraine đang cố gắng thu hồi xác chiếc xe tăng Challenger 2 bị phá hủy.
Họ muốn lấy lại nhằm không để một số công nghệ bí mật rơi vào tay binh sĩ Nga, hay chỉ đơn giản là khiến đối phương không có cơ hội mang đi triển lãm nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền.
Xe tăng Challenger 2 Ukraine đầu tiên bị phá hủy. Ảnh: Telegram |
Theo chia sẻ trước, mỗi xe tăng Anh chuyển sang Ukraine phải mang theo một pound (gần nửa kg) thuốc nổ để nếu xe bị hư hỏng, các thành viên kíp lái còn sống phải cho nổ nó để không có bí mật nào lọt vào tay người Nga.
Khẩu pháo xe kéo D-20 bắn đứt xích xe tăng Challenger 2 có gì đặc biệt?
Trở lại cách quận đội Nga săn lùng và tiêu diệt Challenger 2, theo truyền thông Nga, chiến công lập được trong quá trình tác chiến thuộc về tập thể, và ở đây các sĩ quan trinh sát trên không, lính pháo binh và lính dù đã phối hợp rất tốt để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Vũ khí đã vô hiệu hóa xe tăng Challenger 2 chính là lựu pháo xe kéo D-20 152 mm được Liên Xô phát triển ngay sau Thế chiến thứ hai nhằm thay thế pháo khẩu ML-20 model 1937 lạc hậu, quá trình sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 1953.
Khẩu pháo D-20 được trang bị hệ thống ngắm bắn định hướng hiệu quả, giúp nó có thể tác chiến cả ban ngày lẫn ban đêm và đặc biệt là bắn được cả xe tăng khi sử dụng phương pháp trực xạ.
Tuỳ theo sức của kíp chiến đấu mà tốc độ bắn tối đa của pháo D-20 có thể lên tới 6 phát mỗi phút, mỗi tiếng có thể khai hoả tối đa 65 quả. Tuy nhiên tốc độ bắn này sẽ giảm dần do thao tác nạp đạn bằng tay rất tốn sức.
Trước đó, giới chuyên gia phương Tây cho rằng Challenger 2 có nhiều ưu thế trước phần lớn xe tăng chủ lực đang được Nga triển khai trên chiến trường và có thể giúp Ukraine tung những "cú đấm thép" uy lực nhằm vào lực lượng thiết giáp đối phương.
Các binh sĩ Lữ đoàn Xung kích đường không số 82 Ukraine nói rằng Challenger 2 đóng vai trò ổ hỏa lực di động, tận dụng hệ thống kính ngắm và điều khiển hỏa lực hiện đại để bắn phá cứ điểm Nga từ khoảng cách hơn 3 km. Điều này cho phép kíp xe Challenger 2 nấp trong công sự và tấn công từ tuyến sau, tránh đụng độ trực tiếp với tên lửa dẫn đường và UAV tự sát đối phương.
"Tuy nhiên, khi lực lượng Ukraine tiến quân, xe tăng Challenger 2 không còn lựa chọn nào ngoài rời vị trí ẩn nấp để cơ động đến trận địa mới. Dường như lực lượng Nga đã phát hiện được nó trên đường di chuyển, nơi hoàn toàn không có biện pháp che chắn nào", chuyên gia quân sự Mỹ David Axe viết trên Forbes.