Sự trùng hợp đáng kinh ngạc: Hai năm về trước, cổ phiếu STB cũng bị bán tháo ồ ạt bởi "tin đồn"
Nhìn lại diễn biến phiên giao dịch sáng 2/4, sau giờ mở cửa, thị trường chứng khoán gặp áp lực bán nhất định nhưng không quá lớn, theo đó kéo chỉ số VN-Index giảm 5,72 điểm xuống vùng 1.275 điểm, tương ứng mức giảm 0,45%, tính đến thời điểm 11h20. Trong xu thế chung, VN30 và HNX cũng lần lượt mất 10,17 điểm và 0,55 điểm, chỉ còn 1.282 và 242,35 điểm.
Sự chú ý dồn về cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank của Chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Công Minh, hay vẫn được gọi với biệt danh "Minh xoài". Thời điểm 11h20, cổ phiếu STB bất ngờ giảm mạnh 5,25% và đang được giao dịch trong khoảng 29.750 đồng/cp, với thanh khoản trên 2.000 tỷ đồng, chiếm lượng lớn thanh khoản VN-Index.
Sự trùng hợp kinh ngạc, đó là cũng trong khoảng cuối tháng 3 - đầu tháng 4/2022, cổ phiếu STB cũng chứng kiến một số phiên bị bán tháo ồ ạt sau khi trên thị trường xuất hiện "tin đồn" xung quanh Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đương nhiệm - Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý. |
Tính ra, STB đã mất hơn 3.100 tỷ đồng vốn hóa, và là mã giảm mạnh nhất dòng ngân hàng, bỏ xa mức giảm chung của toàn ngành, ghi nhận tại thời điểm 11h20 sáng 2/4.
Từ hôm qua (1/4), giới đầu tư đã xôn xao trước tin đồn thiếu tích cực, chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng về lãnh đạo của Sacombank, được cho là khởi nguồn từ Facebook mang tên "Thang Dang" - đang treo ảnh và thông tin của một cựu CEO hãng bay Bamboo Airways. Sacombank ngay sau đó có văn bản khẳng định thông tin nêu trên Facebook của người này là hoàn toàn bịa đặt và vu khống để bôi xấu lãnh đạo ngân hàng.
Sacombank cũng nhấn mạnh cho hay, đây không phải lần đầu tiên Facebook mang tên "Thang Dang" có hành vi đăng tin bịa đặt và vu khống lãnh đạo Sacombank. Vì vậy, ngân hàng đã gửi công văn lên các cơ quan chức năng đề nghị xử lý cá nhân này.
Sự trùng hợp kinh ngạc, đó là cũng trong khoảng cuối tháng 3 - đầu tháng 4/2022, cổ phiếu STB cũng chứng kiến một số phiên bị bán tháo ồ ạt sau khi trên thị trường xuất hiện "tin đồn" xung quanh Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đương nhiệm - Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý.
Vì lẽ, Sacombank khi đó là nhà băng 'thân thiết' của nhóm doanh nghiệp họ FLC, là đơn vị cấp tín dụng bậc nhất dành cho hệ sinh thái FLC và cá nhân ông Trịnh Văn Quyết.
Theo dữ liệu của Báo Công Thương, chỉ riêng bản thân cựu Chủ tịch FLC này đã thực hiện không ít các hợp đồng tín dụng với Sacombank, dựa trên các tài sản thế chấp chủ yếu là cổ phần của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways.
Nói thêm về Sacombank, hiện đề án tái cấu trúc được thực hiện trong 10 năm qua của ngân hàng này đã tới hồi kết, nợ xấu dần được gỡ bỏ, sau 10 năm cổ đông sắp được chia cổ tức.
Khối cổ phần lớn 32,5% của đại gia vang bóng một thời Trầm Bê tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sắp được đấu giá. Thông tin về việc Sacombank đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú trị giá hàng nghìn tỷ đồng và chờ nhận tiền thanh toán cũng là điều nhiều người quan tâm.
Nhìn chung, phần lớn thông tin về Sacombank đang là tích cực.