Sôi động các chương trình du lịch sau Tết
Tết Nguyên đán: Thành phố nào của Việt Nam được tìm kiếm du lịch nhiều nhất? |
Theo các đơn vị du lịch, tháng Giêng cũng là mùa cao điểm du lịch nội địa, tập trung du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội. Anh Trường Nam (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Ngay đầu xuân Quý Mão, tôi cùng bạn bè đã đi du xuân theo chương trình Tây Yên Tử hướng Bắc Giang để trải nghiệm mới. Năm nào tôi cũng đi hướng Uông Bí (Quảng Ninh), nhưng năm nay sau khi được giới thiệu tôi chuyển hướng để tìm hiểu hơn về con đường đến với đạo Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; trong đó khá thú vị khi đến chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang), rồi đi thêm 65 km nữa đến Tây Yên Tử. Cung đường đi bộ từ điểm cáp treo cuối đến chùa Đồng tuy có xa hơn hướng đi phía Quảng Ninh, nhưng dễ đi, được hiểu hơn về các vùng đất, chùa chiền".
Du khách nghe thuyết minh tại chùa Vĩnh Nghiêm trên hành trình trải nghiệm Tây Yên Tử. |
Trong khi đó, chị Mỹ Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cùng nhóm bạn bè đi du xuân chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). “Tôi đi sau khai hội nên đông nhưng thấy trật tự, giá cả theo niêm yết và vệ sinh môi trường sạch sẽ. Trong thời gian tới, tôi và bạn sẽ đi Yên Tử và đi Tam Chúc, vừa đi lễ đầu năm, vừa vãn cảnh đầu xuân”, chị Mỹ Dung chia sẻ.
Để đón luồng du khách nội địa cho đợt cao điểm du xuân sau Tết, các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình thu hút khách. Tại Hà Nội,, các điểm đến như Văn Miếu – Quốc Tử Giám có hội chữ xuân; chuỗi hoạt động văn hóa "Tết Việt – Tết Phố 2023" tại phố cổ Hà Nội; hay các tour tham quan tại các Bảo tàng như: Tour văn học “Chữ tâm chữ tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, chương trình “Vui xuân Quý Mão” tại Bảo tàng Dân tộc học…
Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh khởi động lại Hội xuân Yên Tử sau 2 năm không tổ chức do dịch COVID-19. Hội Xuân Yên Tử 2023 sẽ được bắt đầu khai hội vào ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 31-1-2023). Phần lễ khai hội năm nay gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, còn phần hội có nhiều hoạt động đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng, biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền.
Chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) là điểm đến nhiều du khách lựa chọn trong dịp đầu năm. |
Ở miền Trung, thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động phục vụ du khách như: chiếu sáng nghệ thuật trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; tổ chức chương trình phun lửa, phun nước tại cầu Rồng; trải nghiệm du ngoạn sông Hàn; các chương trình “Xuân yêu thương” tại bãi biển Mỹ Khê…
Ở khu vực phía Nam, tỉnh Tây Ninh cũng xây dựng sản phẩm du lịch mới cho du khách du xuân. Điểm nhấn là khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đưa vào hoạt động tuyến cáp treo mới. Bên cạnh đó, khu vực đỉnh núi Bà còn diễn ra nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm văn hoá Nam bộ của đồng bào Khmer.
Theo Tổng cục Du lịch, trong dịp Tết Nguyên đán (từ 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết), cả nước có khoảng 9 triệu lượt khách nội địa du xuân, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy tổng thu từ du khách chỉ ước đạt 17,5 ngàn tỉ đồng, giảm 30%. Trong 9 triệu lượt khách du xuân năm nay, chỉ có khoảng 2 triệu lượt khách lưu trú, giảm khoảng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy công suất phòng trung bình ước đạt 40 - 45%. Con số thống kê cho thấy, lượng khách du lịch nội địa tăng nhưng doanh thu giảm do du khách thắt chặt chi tiêu hơn khi sử dụng các dịch vụ du lịch trung và cao cấp.
“Để thu hút khách đến đầu năm mới, các địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, trang hoàng, chỉnh trang các khu, điểm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, làm nổi bật đặc trưng văn hóa của từng địa phương”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Trong tháng Giêng, lượng khách nội địa dự báo vẫn sẽ tăng, nhất là dịp cuối tuần, giá dịch vụ cũng sẽ tăng 20-30%. Tuy nhiên, với khách nội địa, do thông tin và chủ động được phương tiện nên nhiều người sẽ lựa chọn hình thức tự đi theo nhóm gia đình, bạn bè.
Cũng theo Tổng cục Du lịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh so với dịp Tết dương lịch 2023. Đặc biệt với việc Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8/1 giúp thị trường du lịch quốc tế sôi động, nhộn nhịp hơn. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30 - 40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.
Cụ thể: Khánh Hòa đón 15 chuyến bay mỗi ngày của Viejet Air đưa khách du lịch từ Trung Quốc tới Khánh Hòa, mỗi chuyến sẽ có từ 180 - 220 khách du lịch; 1.400 khách từ Kazakhstan, Hàn Quốc; ước tổng lượt khách quốc tế lưu trú trong 6 ngày Tết đạt 11.300 lượt. Ninh Bình ước đón 29.500 lượt khách quốc tế ghé thăm các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn tỉnh; Tuy Hòa (Phú Yên) ước tính các khu nghỉ dưỡng trên thành phố có số khách nước ngoài chiếm khoảng 40% tổng số khách lưu trú. Bà Rịa - Vũng Tàu ước phục vụ khoảng 10.688 lượt khách quốc tế lưu trú, đón gần 2.400 khách quốc tế "xông đất" bằng đường biển, trong khi Lào Cai ước tổng thu từ khách quốc tế đạt 23 tỷ đồng…