Sầu riêng đột phá xuất khẩu
Xuất khẩu sầu riêng 5 tháng tăng trưởng 18 lần, vượt năm 2022 gần 100 triệu USD Đưa sầu riêng vào Trung Quốc: Bước đi mới của Thái Lan cạnh tranh với hàng Việt |
Một “ngôi sao sáng” của mặt hàng nông sản xuất khẩu từ đầu năm đến nay là trái sầu riêng. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trái cây này đạt hơn 503 triệu USD, tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hiện thị trường Trung Quốc chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam. Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, nếu tiếp đà thuận lợi này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể đạt mốc 1 tỷ USD. Đây là kết quả rất tích cực từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022. Tính đến cuối tháng 5, phía Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng đạt yêu cầu nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số 293 và 115 cơ sở được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch.
Cánh cửa thị trường đã được mở rộng, trái sầu riêng Việt Nam cũng nhanh chóng gia tăng thị phần. Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng sẽ không ngừng gia tăng với mặt hàng trái cây này. Một số doanh nghiệp cho biết, một đối thủ mạnh của sầu riêng Việt Nam là Thái Lan, vừa qua đã tự nâng cao các tiêu chuẩn trái sầu riêng khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Ví dụ, Thái Lan tăng chỉ số chất khô tối thiểu của trái sầu riêng từ 32% lên 35%; rút ngắn thời gian vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc xuống hơn 4 ngày thay vì trên 8 ngày như trước... Bên cạnh đó, Thái Lan cũng không ngừng cải tiến, thay đổi cách thức đóng gói, mẫu mã để hấp dẫn hơn người tiêu dùng Trung Quốc. Với các đối thủ khác của mặt hàng này như Malaysia, Indonesia, Philippines..., các nước này cũng đang không ngừng nâng cao chất lượng để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng. Đồng thời, chính Trung Quốc cũng đang gia tăng diện tích trồng loại nông sản này.
Nhìn thẳng thực tế, không chỉ với trái sầu riêng, các nông sản xuất khẩu của Việt Nam luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở bất cứ thị trường nào. Việc trái cây của chúng ta có thể cạnh tranh và giữ vững “phong độ” xuất khẩu với mỗi thị trường hay không phụ thuộc vào chính chúng ta. Với trái sầu riêng, hiện tỷ lệ vùng trồng được chấp nhận mới đạt 14% diện tích nên việc tăng tỷ lệ này gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát sản xuất là rất quan trọng. Nâng cao chất lượng trái cây thay vì ồ ạt gia tăng số lượng luôn là hướng đi của phát triển nông nghiệp bền vững. Trái sầu riêng xuất khẩu đang được kỳ vọng tạo đột phá trong thời gian tới.