Rút đề xuất giảm 50% phí trước bạ với ô tô tác động gì đến thị trường?
Rút đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính đề cập đến việc rút đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Tài chính cho biết, với đề xuất giảm lệ thí trước bạ với đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại đề xuất này sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Vấn đề giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước lâu nay được dư luận rất quan tâm. Ảnh minh hoạ |
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng, từ 1/8/2024 đến 31/2/2025. Tuy nhiên, cú "quay xe" bất ngờ đề xuất xin… rút đề xuất giảm lệ phí trước bạ ngay lập tức có tác động rất lớn tới toàn thị trường xe Việt vì vấn đề giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước lâu nay được dư luận rất quan tâm.
Theo các đơn vị phân phối ô tô, thị trường xe Việt thời gian qua thấp thỏm chờ chính sách mới, đặc biệt, với xe lắp ráp và sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nhà phân phối xe nhập khẩu liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi rất hấp dẫn. Điều này đã giúp xe nhập khẩu có tăng trưởng tốt trong những tháng vừa qua, thậm chí đã vượt cả xe lắp ráp trong nước. Do đó, việc "rút" đề xuất giảm lệ phí với ô tô, về lâu dài, nếu không có giải pháp bù đắp sẽ không có lợi cho thị trường xe Việt.
Từ số liệu bán hàng gần nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2024, các thành viên thuộc VAMA đã bán ra thị trường tổng cộng 24.350 xe. Tuy nhiên, doanh số bán xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.983 xe, trong khi doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 12.367 xe.
Tín hiệu không này đi ngược lại mục tiêu tăng trưởng đã được Chính phủ đề ra. Cụ thể, theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đến năm 2025, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước phải đạt khoảng 466.400 chiếc, trong đó: Xe đến 9 chỗ khoảng 237.900 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 29.100 chiếc, xe tải khoảng 197.000 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 2.400 chiếc.
Cần có phương án ứng phó một cách chủ động, dài hơi
Đánh giá tác động của đề xuất này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Việc giảm thuế trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước là việc làm cần thiết để kích cầu, theo đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ khiến thị trường ô tô sản xuất trong nước tiếp tục trầm lắng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu tiếp tục giảm thuế thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Việt Nam có thể bị kiện vì đã ký các hiệp định thương mại tự do.
Chia sẻ thêm, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, có những lo ngại về việc vi phạm cam kết quốc tế nếu tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước, thậm chí là sự "trả đũa" từ một số thị trường.
"Lưu ý một điều là chúng ta đã gia nhập WTO từ năm 2007 và chúng ta đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Và trong các hiệp định đó đều có yêu cầu là không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đối với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu" - TS. Lê Quốc Phương nói.
Do đó, nếu như chúng ta tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì sẽ bị coi là vi phạm Hiệp định WTO, các FTA mà ta đã tham gia và sẽ bị các đối tác trả đũa. Do vậy, chúng ta cần có phương án ứng phó một cách chủ động.
"Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với yếu tố lắp rắp trong nước thì theo quy định của WTO và các FTA, chúng ta cũng phải giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu. Nhưng mà điều này sẽ khiến cho ô tô nhập khẩu tăng mạnh, gây khó khăn cho ngành sản xuất ô tô trong nước" - TS. Lê Quốc Phương nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thay vì các chính sách kích cầu ngắn hạn như trước đây, nên có các phương án chính sách dài hơn, bền vững hơn, thúc đẩy ngành sản xuất ô tô được lâu dài hơn.
Cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị: "Nếu không có chính sách giảm thuế trước bạ thì cũng cần có các biện pháp vĩ mô khác để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thể đủ sức cạnh tranh với các đối thủ ngoại nhập nếu không muốn xe Việt thất thế trên chính sân nhà và bị các đối thủ ngoại nhập vượt mặt".
TS. Lê Quốc Phương cũng đưa ra kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô. Từ đó gia tăng được sản xuất các linh phụ kiện ở trong nước, tăng được tỷ lệ nội địa hóa và giảm được giá xe sản xuất trong nước. Đặc biệt, cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay tương đối cao, sẽ giúp hạ giá ô tô.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm 2024. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7/2024. |