Bộ Tài chính kiến nghị không giảm 50% phí trước bạ, người mua ô tô 'vỡ mộng'
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ từng được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể chi phí mua ô tô cho người dân, song sự thay đổi đột ngột này đã buộc nhiều người phải cân nhắc lại quyết định mua sắm và đặt ra nhiều câu hỏi về chính sách thuế.
Rủi ro vi phạm cam kết quốc tế và đi ngược xu hướng
Chính sách giảm lệ phí trước bạ được áp dụng nhằm kích cầu thị trường và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, Bộ Tài chính đã 3 lần đề xuất giảm lệ phí trước bạ và được thông qua trong khoảng thời gian 6 tháng.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước ảnh hưởng tới cam kết quốc tế và thu ngân sách địa phương. Ảnh minh hoạ |
Cuối tháng 4/2024, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vào ngày 17/7, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ, đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ.
Quyết định này xuất phát từ đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và những lo ngại về khả năng vi phạm cam kết quốc tế và đi ngược xu hướng "xanh hóa" phương tiện giao thông.
Trong đó, Bộ Tài chính, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất hai phương án.
Phương án 1: Cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.
Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.
Theo Bộ Tài chính, việc không giảm thuế trước bạ sẽ tuân thủ quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia khác. Theo các cam kết này, Việt Nam phải đối xử bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Việc giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thể bị coi là vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, dẫn đến nguy cơ bị xử phạt hoặc áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự phát triển của phương tiện giao thông xanh. Việc giảm phí trước bạ có thể khuyến khích người dân mua nhiều xe ô tô hơn, đặc biệt là các loại xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel. Điều này sẽ đi ngược lại với mục tiêu "xanh hóa" phương tiện giao thông và có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.
Người tiêu dùng “vỡ mộng”
Những đợt giảm lệ phí trước bạ trong những năm gần đây đã mang lại lợi ích đáng kể cho người mua ô tô, giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Hiện tại, mức lệ phí trước bạ cho ô tô dao động từ 10% đến 12% tùy theo loại xe. Qua đó làm giảm bớt gánh nặng tài chính khi mua ô tô, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Chẳng hạn, mẫu Hyundai Santa Fe 2.5 xăng tiêu chuẩn có giá 979 triệu đồng. Khi chủ xe đăng ký phí trước bạ tại Hà Nội, họ sẽ phải chi trả mức phí là 12%, tức là hơn 117 triệu đồng. Nếu áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, chủ xe sẽ tiết kiệm được hơn 58 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thế Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) đang loay hoay, chưa biết xoay xở như thế nào khi Bộ Tài chính rút lại đề xuất giảm lệ phí. Anh chia sẻ: “Tôi đã cọc tiền xe từ cuối tháng 6 nhưng cố chờ sang tháng 8 mới đi đăng ký nhận xe với mong muốn tiết kiệm chi phí trước bạ. Tuy nhiên, tôi chưa biết phải xử lý như thế nào vì không biết phí trước bạ có được giảm hay không”.
Chung hoàn cảnh với anh Bình, gia đình chị Mai Thanh Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang đứng trước nguy cơ phải nộp phạt do chưa tiến hành đăng ký biển số xe: “Vợ chồng tôi cứ chờ đợi và hy vọng sang tháng sẽ đăng ký xe để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhưng bây giờ xem ra không thể ngóng trông được nữa rồi”, chị Hằng bày tỏ.
Theo chia sẻ của một đại lý ô tô tại trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội), chính sách giảm lệ phí trước bạ luôn có tác động tích cực đến tâm lý mua xe của người dân. Nhiều người thậm chí còn gửi nhờ xe tại showroom để ưu đãi từ nhà nước. Do đó, việc rút lại đề xuất giảm lệ phí trước bạ đã gây ra sự thất vọng và lo lắng cho nhiều người tiêu dùng, khiến họ vừa "vỡ mộng" vừa lo "bội chi".
Việc rút lại đề xuất giảm phí trước bạ có thể làm giảm nhu cầu mua ô tô trong ngắn hạn và gây khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ cần có những chính sách thuế hợp lý và bền vững, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.