Rủi ro địa chính trị gia tăng, giá hàng hóa liên tục lập đỉnh
Giá hàng hóa, dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trở lại Xăng dầu tăng giá, hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng theo Giá kim loại quý có thể giằng co do thiếu chất xúc tác mạnh |
Nhiều mặt hàng tăng vọt đã hỗ trợ chỉ số hàng hoá MXV-Index chốt tuần tăng tới 3,5% lên 2.316 điểm, thiết lập mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái.
Thị trường cà phê nối dài đà tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Chốt tuần, giá Arabica dẫn dắt xu hướng toàn thị trường hàng hoá, với mức tăng 12,5% lên 4.684 USD/tấn, cao nhất trong vòng 1 năm rưỡi trước triển vọng sản lượng kém tích cực tại Brazil. Cùng với đó, giá Robusta cũng đã tăng 7,6%, ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Giá hàng hóa liên tục lập đỉnh |
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, căng thẳng địa chính trị leo thang cũng đã đẩy giá năng lượng và kim loại tăng mạnh, thiết lập các mức đỉnh trong vòng nhiều tháng.
Cụ thể, trên thị trường kim loại; giá bạc tăng hơn 10% lên 27,5 USD/ounce, cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Giá đồng COMEX cũng ghi nhận tuần giao dịch sôi động khi bật tăng 5,71%, lên mức cao nhất trong vòng 14 tháng. Phần lớn các mặt hàng kim loại đồng loạt ghi nhận mức tăng trên 4%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu ghi nhận chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, duy trì vùng đỉnh cao nhất hơn 5 tháng qua. Hỗ trợ chính xuất phát từ yếu tố nguồn cung thu hẹp, trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tăng cao; đẩy dầu WTI chốt tuần tăng 4,5% lên sát 87 USD/thùng. Dầu Brent tăng 4,79% lên 91,17 USD/thùng.
Trong tuần qua, cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) không cho thấy bất kỳ sự thay đổi nào với chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện. Động thái này có nghĩa là khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày sẽ tiếp tục bị hạn chế cho đến cuối tháng 6.
Ngân hàng Mỹ (BofA) dự báo thị trường dầu mỏ sẽ thâm hụt khoảng 450.000 thùng dầu/ngày trong quý II và quý III, đồng thời dầu Brent sẽ hướng tới đỉnh khoảng 95 USD/thùng trong mùa hè. Nhà sản xuất khổng lồ của Ả Rập Saudi, Saudi Aramco đã đặt giá xuất khẩu dầu sang châu Á OSP ở mức cao hơn 2 USD so với mức trung bình của Oman/Dubai, tăng 30 cent so với giá tháng 4. Điều này thể hiện rõ triển vọng nguồn cung thiếu hụt, từ đó thúc đẩy lực mua dầu trong tuần qua.
Trong tuần này, tâm điểm của thị trường sẽ tiếp tục hướng đến nhóm dầu thô, với các báo cáo tháng 4 của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA) vào hôm nay (9/4) và báo cáo của nhóm OPEC vào thứ năm (11/4). Nhìn chung, giới phân tích đang kỳ vọng các số liệu sẽ phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá dầu đang có các mức chặn trên khá vững, ở vùng 95 – 100 USD/thùng, nên tạm thời giá dầu sẽ chưa thể vượt lên các vùng giá quan trọng này, ít nhất là trong ngắn hạn.