Quảng Trị: Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc canh tác cà phê bền vững
Tuy nhiên, với phương pháp canh tác truyền thống, thời gian quá lâu không đổi mới, những vườn cây cà phê ở địa phương đã già cỗi, năng suất thấp. Thậm chí vào những năm 2017 trở về trước đã có không ít hộ đồng bào phải chuyển đổi cây trồng, phá bỏ cà phê để trồng các loại cây trồng khác.
Cà phê Khe Sanh đạt Giải Nhất cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 |
Trước thực tế cấp thiết trong việc duy trì và phát triển cây cà phê, Quảng Trị đã phê duyệt Đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê giai đoạn từ 2017 - 2020, tính đến 2025”. Đề án đã kịp thời “vực dậy” cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đất đỏ bazan một cách rõ rệt.
Với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng, Đề án được triển khai tại 10 xã trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa với mục tiêu từng bước giảm diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng tái canh và biện pháp cưa đốn cải tạo. Sử dụng giống cà phê đảm bảo tiêu chuẩn, có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện sinh thái của từng khu vực. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê.
Đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê” đã hỗ trợ người trồng áp dụng khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc cây cà phê cũng như kỹ thuật chế biến sản phẩm để tăng cao giá trị kinh tế cho cà phê. Nhờ đó, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đông Trường Sơn mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, dần “tái sinh” diện tích cà phê già cỗi cũng như mở rộng diện tích bằng cây giống đảm bảo chất lượng.
Từ năm 2017 đến nay, đồng bào dân tộc tham gia chương trình đều được hỗ trợ 50% tiền cây giống. Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa cũng trích ngân sách hỗ trợ 300 triệu đồng/năm để các hộ dân mua cây giống. Như vậy, mỗi năm, tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ người dân bình quân gần 600 triệu đồng cho chương trình tái canh cà phê.
Thu hoạch cà phê |
Ngoài dự án tái canh cà phê của tỉnh Quảng Trị, người trồng cà phê còn được hưởng các chính sách từ Dự án tái canh cây cà phê tại Hướng Hóa thuộc chương trình Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022. Đây là dự án được thực hiện giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thực hiện tại xã Tân Liên và thị trấn Khe Sanh.
Cây cà phê Arabica khi được trồng ở vùng Hướng Hóa, đặc biệt là ở xã Hướng Phùng có mùi vị rất đặc biệt. Vì vậy, trong cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021, cà phê Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đã đạt Giải Nhất ở loại cà phê Arabica. Đây là cơ hội lớn để cây cà phê ở Quảng Trị nói chung và vùng cà phê đặc sản Hướng Hóa “tái sinh” và phát triển bền vững.
Hiện nay, các nhà khoa học, các doanh nghiệp vẫn đang cùng với đồng bào Bru Vân Kiều nơi đây chung tay xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Arabica. Một số công ty, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã liên kết trực tiếp với người dân để trồng cà phê Arabica theo hướng hữu cơ và thu mua sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm cà phê đã đạt được sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao... Nhiều mô hình liên kết, hợp tác đang được triển khai hứa hẹn sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Cà phê Arabica là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị và là cây trồng đặc biệt, gần như chỉ tập trung trồng ở vùng núi Hướng Hóa. Đây cũng là địa phương sở hữu thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng. |